Núi Phượng Hoàng và núi Nội được bao phủ một màu xanh của cây rừng. Từ bao năm nay, hoa tươi, quả chín từ rừng ấy là nguồn tài nguyên bất tận cho đàn ong xây tổ, gom mật. Bên chân núi, nhiều nông hộ huyện Đại Từ nhờ con ong mà khai thác được vị ngọt của rừng, cải thiện nguồn thu nhập. Điển hình phải kể đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp an toàn xã An Khánh.
Ông Phan Văn Lực, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập vào tháng 5-2020, với 7 gia đình thành viên. Vốn điều lệ của HTX là 800 đàn ong mật cùng hàng trăm héc ta rừng và vườn cây ăn quả “ngoài thiên hạ”… Để minh chứng lời mình nói, ông khoát một vòng tay, chỉ lên từng dải rừng xanh biếc màu cây lá rồi tiếp tục câu chuyện: Hằng ngày đội quân ong mật của HTX đến các khu rừng, vườn cây làm nhiệm vụ thụ phấn hoa. Đổi lại là chúng tôi có mật ngọt.
Từ thấu hiểu và biết rõ lợi ích kinh tế của con ong mang lại nên các hộ có vườn rừng đều phấn chấn khi thành viên HTX đến liên hệ cho ong được “tạm trú” ngoài vườn. Ông Đỗ Văn Thêm, thành viên HTX cho biết: Gia đình tôi nuôi 130 đàn ong. Vào mùa hoa, các hộ chăn nuôi nhiều ong mang một số đàn đến đặt nhờ dưới gốc cây của những hộ có vườn nhãn, vải, cam, bưởi... Nơi ong “tạm trú” bảo đảm các yếu tố hè mát, đông ấm và không đặt bên các bờ ao, hồ. Nhờ con ong, giữa nhà vườn và người nuôi ong chúng tôi có thêm sự gắn bó, hợp tác, đôi bên cùng có lợi.
Khi những vườn cây có quả chín thì các tổ ong cũng nặng mật, đợi chủ thu hoạch. Theo ông Lê Văn Sơn, 66 tuổi, thành viên cao tuổi nhất HTX: Tiết trời năm nay thuận, được mùa hoa, mật cũng nhiều hơn, số lần khai thác đạt 10 lần/tổ/năm, cao hơn 2 lần so với các năm trước. Năng suất mật đạt 1,5kg/đàn/lần khai thác. Tăng hơn 0,3 kg/đàn/lần khai thác so với các năm trước.
Hầu hết các thành viên HTX đều đã chăn nuôi ong từ nhiều năm trước đây. Nhưng đó là cách chăn nuôi ong theo kinh nghiệm truyền thống, hoặc vừa chăn vừa đúc rút kinh nghiệm. Một số hộ chưa thực sự chú tâm cho nghề này, vì mỗi gia đình đều có ruộng cấy lấy thóc, có rừng, vườn cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mùa vụ bận rộn cuốn hết thời gian của họ, chỉ chút thư nhàn nông vụ mới tì tạch với con ong kiếm chai mật làm thuốc cho gia đình.
Rồi một ngày họ nhận ra mình đang bỏ phí một cánh đồng đầy phấn hoa bên cửa nhà. Đó là nghề chăn nuôi ong. Bà Lưu Thị Bích kể: Ít năm trước, chồng tôi cùng một số bà con trong xã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí học nghề chăn nuôi ong. Qua lớp học, bà con được trang bị kiến thức về sự sinh trưởng, phát triển của con ong. Đồng thời được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi ong hiệu quả, kể từ việc tạo chúa, nhân đàn cho đến khâu khai thác, bảo quản mật.
Năm 2021, gia đình bà Lưu Thị Bích đạt thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ nuôi ong.
Có kinh nghiệm, lại được trang bị thêm kiến thức khoa học chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ong mang lại cao hơn nên một số bà con đã năng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm. Họ nhận ra giữa các hộ chăn nuôi ong cần có sự đoàn kết, liên kết hỗ trợ nhau thì mới phát triển được lâu bền. HTX nông nghiệp an toàn An Khánh được thành lập, gồm các hộ nuôi ong mật có kinh nghiệm trong xã.
Ông Nguyễn Tiến An, thành viên có cổ phần lớn nhất HTX, gồm 180 đàn ong mật cho biết: Năm 2021 gia đình tôi thu hoạch được 2,7 tấn mật ong. Ngoài ra còn san thêm vài chục đàn cho bà con trong vùng cùng nuôi lấy mật.
Vào HTX, các thành viên được gặp gỡ, trao đổi, giao lưu kinh nghiệm chăn nuôi ong hiệu quả hơn. Sản lượng mật của từng hộ cũng tăng và đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn. Vui nhất là các buổi khai thác mật, các thành viên tập trung từ sáng sớm để chuẩn bị vào việc. Mỗi người một công đoạn, tíu tít, bận rộn với rũ ong, chạy cầu, trả cầu, quay mật và gom vào thùng. Ngày khai thác mật, 7 thành viên HTX cùng có mặt, ai vào việc nấy, ríu ríu thấy mình như trẻ lại. Tất bật xong tổ này lại chuyển đến tổ khác, bảo đảm không để chết ong và người không bị ong đốt.
Là HTX nên công việc chăn nuôi ong, thu hoạch mật của từng hộ đều có sổ nhật kí ghi chép lại. Hơn thế, toàn bộ sản phẩm mật ong của HTX được cơ quan chức năng kiểm định, công nhận đạt chuẩn chất lượng. Trên bao bì sản phẩm (can, chai nhựa) đựng mật có tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Do làm ăn hiệu quả hơn so với trước nên các gia đình thành viên HTX chủ động tăng đàn, từ 800 đàn năm 2020 lên hơn 1.200 đàn đầu năm 2022. Riêng năm 2021, các thành viên HTX khai thác đạt sản lượng mật hơn 15 tấn, cao hơn so với cùng kì năm trước 3 tấn. Ngoài mật, các thành viên HTX còn tạo chúa, nhân thêm hơn 500 đàn ong bán cho các hộ trong vùng cùng nuôi. Tổng doanh thu năm 2021 của HTX đạt hơn 2 tỷ đồng, tăng 360 triệu đồng so với cùng kì năm trước.
Chiều muộn, từng mảng rừng Phượng Hoàng, Núi Nội đổ dài bóng xuống vùng đất An Khánh. Ông Lực nắm chặt tay tôi rồi buông một câu đầy phấn chấn: Mùa Xuân đã sắp về.