Những ngày tháng 5, đường về xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại (Đại Từ), non mướt màu xanh của lúa và những đồi chè bát úp đang vào chính vụ. Đứng trước Di tích Đồi Thành Trúc, tôi như nghe thấy tiếng bước chân rất khẽ của Bác mỗi lần Người lên, xuống ngôi nhà sàn tại đây gần 70 năm về trước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, cam kết công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Từ đầu tháng 8-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan đầu não kháng chiến và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ và Quốc hội… chuyển chỗ ở và làm việc về ATK Đại Từ, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Trung ương và Quân đội làm công tác chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Trước đó, một số đơn vị thuộc Đội 36 Thanh niên xung phong do đồng chí Tạ Quang Chiến làm Đội trưởng đã về xã Hùng Cường (nay là các xã Bản Ngoại và La Bằng) nhanh chóng xây dựng một quần thể lán trại bao gồm khu nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khu nhà ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội…; khu nhà ở và làm việc của Đại sứ quán các nước Liên Xô và Trung Quốc.
Khu nhà ở và làm việc của Bác Hồ nằm trên đồi Thành Trúc thuộc xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường, ngăn cách với ngoại giao Đoàn (nơi ở và làm việc của Đại sứ quán Liên Xô và Đại sứ quán Trung Quốc) bởi một con suối vừa sâu, vừa rộng. Khi sang làm việc ở khu Ngoại giao Đoàn, Bác thường đi bè, khi mưa nguồn, thác lũ, Bác đi trên chiếc cầu treo do Đại đội 272 Thanh niên xung phong làm bằng tre, vầu, song, mây mắc vào hai cây cổ thụ ở hai bên bờ suối.
Từ Di tích Đồi Thành Trúc, bước thêm chừng 100m về phía tay phải, con suối năm xưa vẫn róc rách chảy như mang theo nỗi nhớ vị lãnh tụ kiệt xuất của đất nước, người Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam suốt gần 70 thập kỷ. Hôm nay, bên này suối là Đầm Mua, xã Bản Ngoại, bước sang bên kia suối là địa phận xã La Bằng. Hai bên bờ suối rặt một màu xanh hút mắt của các nương chè giống mới, góp phần để huyện Đại Từ trở thành địa phương có diện tích chè lớn nhất Thái Nguyên (chiếm 30,47% diện tích toàn tỉnh), đứng thứ hai so với các huyện trong cả nước.
Thời gian ở ngôi nhà sàn tại xóm Đầm Mua cũng chính là khoảng thời gian Bác Hồ viết báo dưới bút danh C.B đăng trên Báo Nhân Dân. Đó là các bài: “601 triệu 912 nghìn 371”. Con số này chính là số dân Trung Quốc tính đến tháng 6-1954. Với số dân này, Trung Quốc sẽ góp phần cùng các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đoàn kết đấu trang chống chủ nghĩa đế quốc; “Những kẻ âm mưu phá hoại hòa bình” phê phán những tin tức bịa đặt của Tòa thánh Vaticăng; “Tinh thần quốc tế của giai cấp lao động” là bài báo nêu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta được nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ.
Ngày 12/8/1954, từ đồi Thành Trúc, Bác Hồ đã đến dự Lễ đón tiếp Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam (gồm đại diện các nước Canada, Ấn Độ, Ba Lan) tổ chức tại Thái Nguyên, đánh dấu việc chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc và dai dẳng 9 năm trường.
Tại đây, Bác đã phát biểu bày tỏ nguyện vọng hòa bình của nhân dân ta: “Ngừng bắn ở Đông Dương vừa được một ngày, thì Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam gồm ba nước Ấn Độ, Ba Lan và Canađa đã nhận nhiệm vụ mà Hội nghị Giơnevơ đã giao phó cho và đã đến Việt Nam chúng tôi để giám sát hai bên Việt - Pháp thi hành hiệp định đình chiến. Tôi rất vui lòng được tiếp các vị trưởng đoàn của ba nước và các nhân viên của Ủy ban. Tôi xin thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiệt liệt hoan nghênh các vị… ”.
Cũng tại đây, Bác đã ca ngợi tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Ấn Độ, Ban Lan và Canada. Người khẳng định: Dù các vị đại biểu Ủy ban Quốc tế đến từ ba châu khác nhau, nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ một lòng duy trì và hợp tác với tất cả các vị.
Ngày 1/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), một địa điểm giáp ranh với nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hùng Cường, Người đã nhận Quốc thư của đại sứ Trung Quốc. Đây là Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ Lễ nhận Quốc thư đầu tiên ấy đến nay đã gần 70 năm, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Có thể khẳng định, mối quan hệ thân thiện, hợp tác, mở rộng giữa nước ta với các nước trên thế giới có cội nguồn từ ATK Định Hóa, Đại Từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong những ngày tháng đầu tiên sau khi hòa bình lập lại.
Tại Đầm Mua, tối 5/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thôn Vai Cày (xã Hùng Cường) nói chuyện với bộ đội, công an, thanh niên xung phong và cán bộ, nhân viên cơ quan Trung ương trước khi về tiếp quản Thủ đô. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác căn dặn “…các cô, các chú: về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, tùy hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân”.
Ngày 15-9, Bác đến thăm nơi ở và làm việc của cán bộ cao cấp Bộ Tổng tham mưu ở xã La Bằng. Tại đây, Người đã trao đổi với các cán bộ cấp cao một số công việc phải làm trước khi về tiếp quản Thủ đô và nhiệm vụ của Quân đội khi tiến vào tiếp quản.
Ngày 10/10/1954, từ ATK Đại Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng. Hai ngày sau (12-10), Người rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc trở về Hà Nội, sau gần 8 năm xa cách.
Bà Lương Thị Nghĩa là người trông nom Di tích từ năm 2005 đến nay.
Tấm bia Di tích Đồi Thành Trúc hôm nay như một lời nhắc nhở các thế hệ người dân Việt về một thời kỳ lịch sử. Thái Nguyên nói chung, Đại Từ nói riêng tự hào khi được Bác và cơ quan Trung ương Đảng chọn là một phần của Thủ đô kháng chiến.
Niềm vinh dự, tự hào ấy chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Từ hôm nay ra sức phấn đấu đến năm 2025 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí chủ yếu theo tiêu chuẩn của thị xã. Và, chắc chắn rằng, một vùng đất hội tụ đủ các yếu tố địa lợi và nhân hòa đảm bảo sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động như Đại Từ thì mục tiêu ấy sẽ sớm thành hiện thực.