Đường sắt Hà Nội - Quán Triều: Bản hùng ca một thời

09:48, 01/05/2022

Nó từng là tuyến “huyết mạch” vận chuyển hàng hóa, khí tài quân sự chi viện cho miền Nam những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Nó cũng từng “cõng trên lưng” những chuyến tàu khách chật toa cùng hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế một thời… Đó là điều người ta thường nói khi nhắc đến tuyến đường sắt Hà Nội - Quán Triều. Tuy nhiên, còn nhiều thông tin khác liên quan đến tuyến đường mà ít người biết đến.

Nhân chứng còn lại

Khi chúng tôi tìm hiểu về tuyến đường sắt Hà Nội - Quán Triều, nhất là trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước thì tư liệu không còn nhiều. Ga Lưu Xá cũng như ga Quán Triều đều không lưu giữ thông tin. Qua sự giới thiệu, kết nối của cán bộ trực ga và chính quyền địa phương, chúng tôi mới may mắn gặp được một số người “có liên quan” đến tuyến đường sắt này.

Ông Nguyễn Thế Thảo (sinh năm 1936) làm Trưởng ga Quán Triều từ năm 1968 và bà Nguyễn Thị Hữu (sinh năm 1945) từng là công nhân ga Quán Triều từ năm 1967 đến khi về hưu nhớ lại: Chúng tôi về nhận nhiệm vụ ở ga khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt. Các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên bị Mỹ ném bom tàn phá ác liệt, tuy nhiên ga Quán Triều may mắn không phải là trọng điểm đánh phá. Những năm đó, ga là nơi tập kết rất nhiều hàng hóa, vũ khí, khí tài từ các tỉnh phía Bắc dồn về để đưa lên tàu vận chuyển về Hà Nội, chi viện cho miền Nam. Chúng tôi vừa làm công nhân ga vừa tham gia bốc vác hàng. Cùng với hàng hóa, tàu cũng chở rất nhiều bộ đội của ta về xuôi, hành quân vào Nam chiến đấu.

Ông Nguyễn Thế Thảo, bà Nguyễn Thị Hữu nhớ lại ký ức một thời về ga Quan Triều xưa.

Vợ chồng ông Phạm Văn Tấn (sinh năm 1947) và Trần Thị Vi (sinh năm 1950) cũng một đời gắn bó với tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá. Năm 1965, ông Tấn rời quê hương Ba Vì lên Thái Nguyên công tác, làm nhiệm vụ sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường ray. 2 năm sau đó, bà Vi lên Thái Nguyên công tác tại Đội đảm bảo giao thông, thuộc Đoạn cầu đường Hà Thái (sau đổi tên thành Xí nghiệp Đường sắt Hà Thái).

Cũng nhờ có tuyến đường sắt này mà hai người nên duyên và gắn bó với nó đến khi về hưu. Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nhỏ gần ga Lưu Xá, ông bà kể lại: Mỹ ném bom phá hoại ác liệt, nên công nhân đường sắt ban ngày đi sơ tán, tối mới ra san lấp hố bom. Không ít lần, đường ray bị bom làm đứt gãy nhiều đoạn, cần rất nhiều thời gian, công sức để khắc phục. Vất vả, nguy hiểm nhưng ai cũng cố gắng hết mình vì miền Nam ruột thịt.

Thi công thần tốc

Theo các tài liệu mà chúng tôi tìm hiểu được, tuyến đường sắt Hà Nội - Quán Triều là tuyến đường sắt được thi công thần tốc do người Việt tự khảo sát, thiết kế, xây dựng. Đầu năm 1959, Đảng và Chính phủ quyết định xây dựng mới đường sắt từ Đông Anh lên Thái Nguyên để phục vụ công nghiệp khai thác quặng sắt, sản xuất thép; đồng thời phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh Việt Bắc.

Hơn một vạn thanh niên tình nguyện từ các tỉnh, thành đã được huy động tham gia. Cùng đó là gần 5.000 cán bộ công nhân viên đường sắt được huy động để thi công các hạng mục công trình.

Để xây dựng tuyến đường, cần thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ như: Phải đào 2,2 triệu m3 đất; đắp 1,7 triệu m3 đất. Khoảng 50 quả đồi được san phẳng mới đủ đất đắp nền đường xe lửa. Tuyến đường bắt đầu nối từ huyện Đông Anh đến Lưu Xá (Thái Nguyên) thì đường chia hai ngả: Một đường chạy qua thị xã Thái Nguyên, lên mỏ than Làng Cẩm, Quan Triều, một đường vào mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ).

Toàn bộ tuyến đường dài 120km (kể cả đường chính và phụ). Để hoàn thành, tuyến đường cần tới hàng trăm tấn sắt và một khối lượng xi măng, gỗ, đá, cát sỏi khổng lồ. Ngày ấy, các công việc chủ yếu được làm thủ công nhưng với tinh thần “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, công trình được hoàn thành rất nhanh: Chỉ gần 14 tháng sau, ngày 30/8/1960, tuyến đường từ Đông Anh đến Lưu Xá chính thức khánh thành, thông xe vượt thời hạn 4 tháng.

Ga Quán Triều trước từng là “cảng cạn” vận chuyển quân lương thời chiến tranh và có lượng khách rất đông đúc, nhưng nay chỉ duy trì đón mỗi tuần 2 chuyến tàu hàng.

“Huyết mạch” vận chuyển quân lương

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Bắc chi viện cho miền Nam, một lượng hàng hóa khổng lồ của quân và dân các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng được vận chuyển bằng tuyến đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội. Trong đó, phần lớn được tập kết ở ga Lưu Xá và ga Quan Triều.

Đây cũng chính là lý do khiến ga Lưu Xá trở thành một trong nhiều địa điểm quan trọng tại Thái Nguyên bị máy bay Mỹ oanh tạc. Và, sự kiện bi tráng “đêm Noel màu lửa” xảy ra ở ga Lưu Xá năm 1972 trở thành khúc tráng ca bất tử trong lòng người dân Bắc Thái nói riêng và cả nước nói chung. Trận mưa bom tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sự kiện bi hùng ấy khiến chúng ta gợi nhớ lại “một thời đạn bom” đã được ghi trong lịch sử nước nhà. Năm 1972, giới cầm quyền Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bằng không quân và hải quân trên toàn miền Bắc gây ra nhiều tổn thất nặng nề.

Cảng Hải Phòng và nhiều cửa sông, bến cảng khác của miền Bắc bị phong toả. Việc vận chuyển vũ khí, phương tiện chiến tranh và các loại hàng hoá thiết yếu khác do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta theo đường biển hoàn toàn bị ngưng trệ.

Trước tình hình đó, Trung ương giao cho tỉnh Bắc Thái tiếp nhận hàng (chủ yếu là lương thực và hàng hóa quốc phòng) từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hà Bắc chuyển về theo Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và đường sắt Kép - Lưu Xá; vừa để dự trữ, vừa để chuyển cho chiến trường và các tỉnh trong khu vực. Ga Lưu Xá và ga Quán Triều trở thành “cảng cạn” của miền Bắc.

Hơn 60 năm qua, đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên cũng trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Ngày nay, tuyến đường tuy chỉ còn là một “nốt trầm” nhưng nó là niềm tự hào về một thời mang trên mình trọng trách, là huyết mạch trong những năm tháng cả nước vì miền Nam ruột thịt.