Số hóa dữ liệu thêm 3 địa điểm di tích lịch sử

06:38, 06/06/2022

Nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Đại Từ đã thực hiện số hóa dữ liệu một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Theo đó, cùng với thông tin giới thiệu chi tiết về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của các di tích, mỗi địa danh lịch sử được thể hiện dưới dạng hình ảnh toàn cảnh (panorama), hình ảnh 360 độ để tạo cảm giác sinh động, chân thực, gần gũi. Qua đó giúp người xem tiếp cận dễ dàng hơn với các di tích, cảm giác như được trực tiếp đến địa danh đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, đưa các di tích đến gần hơn với người dân, du khách.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 6 di tích, danh lam được số hóa, gồm: Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7, ở thị trấn Hùng Sơn; Khu di tích nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Thành Trúc, ở xã Bản Ngoại; Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Việt Nam, ở xã Yên Lãng; Di tích lịch sử Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, ở xã La Bằng; Di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ở xã Phú Xuyên và thắng cảnh suối Kẹm, ở xã La Bằng.

Từ nay đến cuối năm, huyện có kế hoạch số hóa dữ liệu thêm 3 địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn, đó là: Chùa Thiên Tây Trúc - Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc, ở xã Quân Chu; Di tích Địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ở xã Tiên Hội; Đình làng Cướm, ở xã Minh Tiến.