Nói đến thành phố Thái Nguyên sẽ rất thiếu sót khi không nói đến cầu Gia Bẩy, một biểu tượng cho ý trí kiên cường, bất khuất của người dân thành phố. Cây cầu đã bền bỉ, thủy chung, chia ngọt sẻ bùi với người dân thành phố qua các cuộc kháng chiến và trường tồn đến hôm nay.
Cầu Gia Bẩy. |
Sử sách ghi lại, cầu Gia Bẩy được xây dựng vào khoảng năm 1928 – 1930, bằng bê tông cốt thép bắc qua sông Cầu. Trong kháng chiến chống Pháp, đầu năm 1947, cây cầu đã từng bị phá sập khi ta thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, ngăn quân Pháp tiến lên căn cứ địa Việt Bắc.
Năm 1955, cây cầu được xây dựng lại, trên mố cầu và trụ cầu cũ. Cầu nằm trên Quốc lộ 1B, con đường huyết mạch nối từ Lạng Sơn sang Thái Nguyên, ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, cầu nối phường Hoàng Văn Thụ với phường Đồng Bẩm.
Trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, cầu Gia Bẩy là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ. Ngày 17/10/1965, máy bay Mỹ đã ném hàng chục quả bom, trong đó có 3 quả trúng cầu Gia Bẩy. Cây cầu bị hỏng nặng, 71 người dân vô tội sinh sống gần cầu bị thiệt mạng; 15 chiến sĩ Trung đội tự vệ chiến đấu bảo vệ cầu hy sinh tại trận địa. Để tưởng nhớ những chiến sĩ tự vệ anh dũng hy sinh khi bảo vệ cầu Gia Bẩy cùng 71 dân thường đã ngã xuống trong trận bom ngày ấy, chính quyền đã cho xây dựng một bia tưởng niệm nằm ngay cạnh đầu cầu Gia Bẩy.
Cầu một thời là địa điểm vui chơi, hẹn hò, hóng mát của mọi người sống ở hai đầu cầu. Khung cảnh nơi ấy rất thanh bình, nên thơ. Trên sông, những chiếc bè tre, nứa, mai, luồng… nối dài từ thượng nguồn về, neo nghỉ dưới bóng cầu. Những chiều Hè, trẻ con ra bến sông bơi lội, người lớn tắm giặt, vui đùa vang động cả khúc sông.
Thời sinh viên, tôi và các bạn thường ra cầu Gia Bẩy, đứng trên cầu ngắm nhìn những chiếc bè tre, nứa lặng lẽ trôi xuôi dưới chân cầu. Từ trên cầu nhìn về phía hạ lưu có thể quan sát được một góc thành phố phía sau khu Bảo tàng kéo xuống gần khu Bến Tượng. Nhìn về phía trên mé thành phố là bến Than, nơi bà con xã viên hối hả đội than lên xuống, phục vụ chất đốt cho toàn thành phố…
Giờ đây, cảnh quan quanh cầu đã thay đổi, không còn bến than, không còn bến khai thác cát sỏi, cũng vắng bóng những chiếc bè mảng tre nứa. Nhưng cây cầu vẫn còn đó, trầm mặc soi bóng xuống dòng sông lững lờ trôi.
Trải qua bao dâu bể, cây cầu dần xuống cấp và hư hỏng nhiều, cuối tháng 10 năm 2021, thành phố đã đầu tư 600 triệu đồng tiến hành sửa chữa, gia cố mặt cầu và một số hạ mục khác. Ngày 18/11/2021, việc sửa chữa cầu Gia Bẩy hoàn thành, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, mà còn góp phần bảo tồn giá trị lịch sử của cây cầu có tuổi đời gần 100 năm.
Thái Nguyên bước vào thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu đi lại của người dân cầu tăng cao, nhằm giảm tải cho cầu Gia Bẩy, tỉnh Thái Nguyên đã cho xây dựng cây cầu Bến Tượng nằm ở phía hạ lưu cầu Gia Bẩy. Khởi công từ tháng 6/2016, đến ngày 21/12/2018, cầu Bến Tượng chính thức thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư hơn 436 tỷ đồng, tổng chiều dài 760m. Trong đó, chiều dài của cầu chính là 380m, chiều rộng 23,6m, gồm 3 nhịp chính.
Cầu có cấu tạo dạng cầu vòm ống thép nhồi bê tông với bề mặt rộng 23,6m đáp ứng nhu cầu qua lại cho 4 làn xe cơ giới. Phần đường dẫn đầu cầu phía phường Trưng Vương dài 180m, lộ giới rộng 25,5m; phần đường dẫn đầu cầu phía phường Đồng Bẩm có chiều dài 200m, lộ giới rộng 40,5m. Toàn bộ phần cầu, đường hai đầu cầu đều được chiếu sáng bằng đèn Led. Công trình không chỉ góp phần giải tỏa áp lực về giao thông nội thị, mà còn là điểm nhấn về kiến trúc cho thành phố Thái Nguyên.
Giờ đây, cầu Gia Bẩy đã có thêm người “em” cùng vươn mình bắc ngang sông Cầu nối những bờ vui. Nếu người “em” Bến Tượng phản chiếu sự trẻ trung, hiện đại, chứng tỏ sức vươn lên mạnh mẽ của thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì người “anh” Gia Bẩy là biểu tượng về sức sống mãnh liệt, kiên cường của bao thế hệ người dân ở thành phố ven sông này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin