Người xưa thường nói “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Thị - hiểu theo nghĩa là chợ, được đặt ở vị trí đầu tiên, bởi vì nhìn vào sự tấp nập mua bán tại chợ có thể thấy được chất lượng cuộc sống của người dân nơi ấy. Xuất thân từ quê lúa Phú Bình, nhưng lại có gần 20 năm rong ruổi bán buôn tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên nên tôi cảm nhận rõ những bước phát triển của người dân và vùng đất này.
Một hình ảnh cũ của chợ Dốc Hanh (TP. Thái Nguyên). Ảnh: T.L |
Năm 1975, tôi xây dựng gia đình. Cũng như nhiều hộ dân khác trong xóm, vợ chồng tôi trồng rau, chăn một vài con lợn trong chuồng để bán. Rau trồng nhiều nên nhiệm vụ của tôi là phải làm sao tiêu thụ nhanh, không để quá lứa. Lúc đầu, tôi cũng e ngại khi đi chợ, nhưng rau tôi bán rất nhanh nên dần dần tự tin hơn. Thế rồi, không chỉ bán rau của nhà làm ra, vợ chồng tôi thu mua rau của hàng xóm, xếp gọn đủ 2 sọt chằng vào xe chở đi chợ.
Lúc đầu, tôi đi bán ở các chợ lớn trong huyện Phú Bình. Sau, tôi đạp xe cả lên thành phố Thái Nguyên để bán. Nghe theo một số người khuyên, tôi đi chợ Dốc Hanh. Những năm 80 của thế kỷ trước, chợ Dốc Hanh (phường Trung Thành) đã là một trong những chợ lớn của thành phố Thái Nguyên. Người bán muốn có vị trí đẹp phải thuê chỗ, tôi bán rau nên không vào hẳn trong chợ mà cùng các xe rau khác đứng thành hàng dài ở cuối chợ. Người dân thành phố thường mua rau từ đầu giờ sáng cho tươi nên tôi bán hết hàng khá sớm. Bán xong, tôi đạp một vòng quanh chợ mua chút quà về cho các con nhỏ đang đợi ở nhà.
Ngoài chợ Dốc Hanh, tôi còn đạp xe lên chợ Thái bán hàng. Là chợ trung tâm của thành phố nên lần đầu đến chợ, tôi khá sốc khi thấy lượng người qua lại giao thương mua bán đông đúc. Chợ được quy hoạch từng khu: bán đồ tươi sống, bán hàng rau củ quả, hàng xén, bánh kẹo thực phẩm, quần áo may mặc... khá thuận tiện cho khách đến mua sắm.
Chợ Thái họp cả ngày, khách hàng tha hồ thời gian chọn lựa. Những hôm bán hàng xong sớm, tôi lại đạp xe lòng vòng quanh thành phố ngắm nghía. Trong thành phố Thái Nguyên lúc đó đã có những con đường rộng mở khác hẳn với những con đường đất nhỏ hẹp ở quê tôi. Tiếng nhạc từ những ngôi nhà, gian hàng sầm uất phát ra nghe thật vui tai. Thành phố lúc ấy trong tôi đã rất sôi động. Tôi không quên mua mấy thứ quà mà các con thích như: Búp bê, bánh kẹo, bộ quần áo mới...
Khoảng gần chục năm tôi gắn bó với chiếc xe đạp cà tàng, chở trên mình những sọt rau lặc lè. Khi tích cóp được khoản tiền, tôi mua xe máy để đi chợ cho đỡ vất vả. Có xe máy, tôi chở được nhiều hàng hơn, đi chợ xa hơn. Không chỉ chợ Thái, Dốc Hanh, tôi còn đi các chợ Tây Ba Nhất, Khu Nam,… và một số chợ lớn khác của thành phố.
Ở những chợ tôi đến bán hàng, người dân hồn hậu chờ đón từng mớ rau tươi rói tôi chở từ quê lên. Nhiều khách hàng gặp tôi như gặp người nhà, hỏi thăm, trò chuyện thân tình. Những chuyến hàng đều đặn từ quê ra phố như thế đã nuôi sống cả gia đình, 6 đứa con tôi lần lượt lớn lên. Thành phố Thái Nguyên lúc ấy trong tôi như một miền đất hứa yên bình, trù phú.
Tôi bán hàng đến năm 1994 thì nghỉ, bởi các con đã lớn. Nhưng cứ mỗi lần có dịp đi ngang qua các khu chợ của thành phố Thái Nguyên, tôi lại cảm thấy xốn xang nhớ lại một thời gian khó. Tôi nhớ con đường từ Phú Bình lên thành phố rợp bóng mát của những cây xà cừ thân to xù xì bạc phếch với tháng năm. Nhớ người thành phố hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình. Nhớ những hôm đi ngang đường xe của tôi thủng săm, trời còn khá sớm nhưng có hộ dân ven đường sẵn sàng giúp đỡ. Những hôm trời mưa, lên dốc cao, sọt rau rơi ra khỏi xe, người dân quanh đó lại ra nhiệt tình chằng lên xe giúp.
Thời gian cứ trôi đi, con người cũng vì thế mà già theo, chỉ có những ký ức đẹp cứ tươi mới chẳng chịu già. Hôm nay, đi trên, quảng trường thênh thang giữa lòng thành phố, tôi chợt nghe lời một bài hát rất phù hợp với tâm trạng mình: Em đi chợ Thái, thành phố Thái Nguyên/Qua cầu Bến Oánh, nơi miền trung du/ Đợi chờ, em đợi chờ ai/ Chờ người tri kỷ, tuổi thơ năm nào… Chợt thấy lòng rưng rưng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin