Về Bảo Lý xem ngôi nhà cổ

Nguyễn Đình Hưng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 09:54, 13/08/2023

Tại xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, còn tồn tại một ngôi nhà cổ. Đó là ngôi nhà của gia đình ông Ngọ Quang Sen, ở xóm Quyên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà cổ này vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn với dáng vẻ cổ kính và kết cấu kiến trúc nghệ thuật ban đầu.

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Ngọ Quang Sen.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Ngọ Quang Sen.

Ngôi nhà cổ này vốn có từ rất lâu đời ở địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà trung khoa lối cổ truyền.

Ngôi nhà có 5 gian được làm toàn bằng gỗ lim, 3 gian chính, 2 gian buồng. Phía bên phải ngôi nhà là nhà bếp và các công trình phụ. Trên 2 câu đầu của ngôi nhà còn hàng chữ Hán Nôm ghi năm khởi dựng, câu đầu phải ghi: “Tuế thứ Mậu Thìn xuân” (Khởi dựng ngôi nhà năm Mậu Thìn, tức là năm Bảo Đại thứ 3 (1928), câu đầu trái ghi: “Càn nguyên hanh lợi trinh” (Các quẻ đều tốt đẹp), tức là ngôi nhà này được xây dựng ngót một thế kỷ.

Tuy đã trải qua gần một thế kỷ, nhưng gỗ của ngôi nhà vẫn còn chắc chắn, đen bóng. Ngôi nhà được người xưa thiết kế bộ khung, bộ vì theo lối truyền thống, các bộ vì kèo được làm theo kiểu kẻ truyền, chồng giường.

Các cột đều là những cây gỗ lim thẳng, dựng thành hàng thứ tự từ ngoài vào: Cột hiên, cột quân, cột cái. Ba gian chính các bộ vì được trang trí rất nhiều hoa văn, họa tiết chủ yếu như đề tài: Tứ linh, tứ quý, hoa văn lá lật.

Các vì nách có nhiều con giường chồng, người nghệ nhân dân gian tạo ra một bức tranh sống động chạm bong hình rồng, lá lật, chạm nổi chữ Thọ, có chỗ chạm tứ quý: Thông, trúc, cúc, mai hoặc đào, mai, cúc, tùng.

Nói chung, phần trang trí ở các bộ vì, các côn, con chồng của ngôi nhà cổ này được trang trí dày đặc các loại hoa văn, trải qua thời gian nhưng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, chưa có dấu hiệu tu sửa, thay thế.

Một mảng chạm trổ trang trí trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Ngọ Quang Sen.
Một mảng chạm trổ trang trí trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Ngọ Quang Sen.

Ngăn cách giữa nhà ngoài với buồng được xây tường. Lối vào buồng có cửa ở vị trí ngoài sát cột hiên, hai cửa buồng đăng đối nhau. Ngôi nhà xung quanh được xây kín bằng gạch, chỉ để mộc không trát vữa, đầu nhà xây theo kiểu tường hồi bít đốc mái lợp ngói mũi.

Bộ cửa ngôi nhà được đóng theo kiểu của phố, có 3 cửa có kích thước gần bằng nhau. Gian giữa ngôi nhà được bài trí trang nghiêm. Giữa ngôi nhà có ban thờ tổ tiên bày các đồ thờ cúng như: Đỉnh trầm, tam sơn, lọ hoa, cây đèn, mâm bồng, bát hương, độc bình...

Ngôi nhà quay hướng Nam, phía trước là chiếc sân lát gạch vuông bát tràng cỡ 30 x 30cm, sân rộng khoảng 100m2 dùng để làm chỗ phơi phóng thóc lúa hoặc tổ chức lễ khi nhà có việc giỗ, tết, cưới xin...

Trước sân có vườn, hai bên là công trình phụ như: Bể nước, nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu, bò.

Theo lời kể của ông Ngọ Quang Sen (80 tuổi), hiện là chủ của ngôi nhà: Xưa kia, ngôi nhà này là của gia đình ông Ngọ Quang Lộc (1901 - 1954). Gia đình ông Lộc trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhà có nhiều tài sản, ruộng vườn. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), nhà ông Lộc là nơi có một số cơ quan Quân đội của Trung ương về ở và làm việc. Sau này ông Ngọ Quang Sen đã mua lại ngôi nhà của gia đình ông Ngọ Quang Lộc.

Vào ngày 3/2/2023, ông Sen đi cuốc đất trồng cây ở ngoài vườn của gia đình thì phát hiện di vật một đầu đạn to gần bằng bắp chuối. Hiện vật trên đã bổ sung thêm cơ sở, dữ liệu liên quan đến các sự kiện lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của một số cơ quan đã từng về đóng chân tại xã Bảo Lý, góp phần tăng thêm giá trị của một số địa điểm di tích, phục vụ nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống lịch sử của địa phương.