Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi – Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nổi dậy lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc trong tỉnh do Cung Đình Vận làm Tuần phủ (tức Tỉnh trưởng).
Đốc kiếm của Cung Đình Vận. |
Tuần phủ Cung Đình Vận của chế độ cũ, hiện nay hầu như các tài liệu về nhân vật này rất sơ lược. Lớp người cao tuổi từng sống trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Thái Nguyên kể lại với con cháu rằng: Cung Đình Vận là một tên tay sai đắc lực cho thực dân Pháp. Người Cung Đình Vận thấp lùn, thường đeo bên hông thanh kiếm dài và cực kỳ hung hãn. Dường như thanh kiếm chỉ để hắn thể hiện quyền uy và bộc lộ tính dã man, tàn độc. Mỗi khi ra đường, bất cứ gặp gì thấy “ngứa mắt” hắn cũng rút kiếm chém…
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi may mắn được các nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử giúp đỡ và cung cấp những thông tin khá chi tiết về Tuần phủ Cung Đình Vận, đồng thời mục sở thị thanh kiếm do một cựu sĩ quan công an là cán bộ tiền khởi nghĩa quản lý.
Theo tài liệu thì Cung Đình Vận sinh năm 1897 ở Kim Lũ (Hà Đông), con trai Tuần phủ Lạng Sơn Cung Khắc Đản. Năm 1921, ông Cung Khắc Đản bị giết chết trong một lần đi tuần ở rừng.
Cung Đình Vận đỗ bằng Thành chung Pháp Việt và được vào học tại Trường Hậu Bổ theo diện “con quan”. Trường Hậu Bổ (nay là Trường Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc, Hà Nội) chuyên đào tạo cử nhân, tú tài chữ Hán ra làm quan tri huyện và huấn đạo.
Năm 1920, Cung Đình Vận tốt nghiệp Trường Hậu Bổ và được bổ làm Tri huyện Yên Hưng (Quảng Yên, nay là Quảng Ninh). Tháng 2-1930, Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra, ở các tỉnh miền xuôi, quân khởi nghĩa đã đánh chiếm huyện Vĩnh Bảo, giết Tri huyện Hoàng Gia Mô. Sau khi Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, thực dân Pháp điều Cung Đình Vận về làm Tri huyện.
Trong thời gian làm Tri huyện Vĩnh Bảo, Cung Đình Vận đã khủng bố người dân dã man để lấy lòng người Pháp và vơ vét, cướp bóc tài sản. Kể từ đó, con đường quan lộ của Cung Đình Vận ngày một thăng tiến. Năm 1941, Cung Đình Vận được bổ nhiệm Tri phủ ở Phú Thọ, sau đó ít lâu thuyên chuyển về Thái Nguyên làm Tuần phủ.
Cung Đình Vận là người đa mưu túc trí, ham mê võ thuật, giỏi cả văn lẫn võ. Theo cuốn Notabilités D'Indochine, Cung Đình Vận còn là nhà thể thao, vận động viên bơi lội từng giành chức vô địch trong cuộc thi bơi ở Hồ Tây năm 1933.
Cung Đình Vận luôn dùng mọi thủ đoạn đàn áp, bắt bớ những người có ý định chống đối, thẳng tay đánh dẹp các cuộc nổi dậy, hoặc phong trào của những người Cộng sản.
Ngày 18/11/1944, Cung Đình Vận trực tiếp chỉ huy cuộc càn quét lên Đình Cả với quyết tâm tiêu diệt lực lượng Cứu quốc quân, bắt bằng được "con nữ tướng Võ Nhai". Biệt danh "Nữ tướng Võ Nhai" do Cung Đình Vận gọi bà Trần Thị Minh Châu, khi đó là Bí thư Chi bộ kiêm Chính trị viên Phân khu A (Phân khu Quang Trung). Cung Đình Vận bị du kích bắn bị thương phải bỏ cuộc, rút quân về Thái Nguyên.
Năm 1945, nhạc sĩ Văn Cao khi đó được giao nhiệm vụ trong tổ ám sát đã cải trang thành người ăn mày xuống Lủ rình bắn Cung Đình Vận, nhưng Cung Đình Vận đã rời đi nơi khác, bởi vậy vụ ám sát không thành.
Cuối tháng 9-1945, Cung Đình Vận bị Chính quyền cách mạng bắt và bị giam tại Sở Liêm phóng. Ngày 16/12/1945, trước hơn một vạn người, Cung Đình Vận bị xử tử, tại sân vận động Thái Nguyên.
Thanh kiếm của Cung Đình Vận, theo nhiều nguồn thông tin: Hắn được Toàn quyền Đông Dương trao tặng, vì có nhiều công trạng với Chính phủ bảo hộ khi về làm Tuần phủ Thái Nguyên.
Từ sau khi giành chính quyền, người giữ thanh kiếm này là ông Lê Huy Kim, sinh năm 1924 tại Hải Phòng. Ông tham gia hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám, tham gia Tổng khởi nghĩa tại một số địa phương. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19/12/1946), ông chiến đấu tại Chiến khu Hồng Hà. Từ 01/6/1947, ông chính thức biên chế tại Công an Thái Nguyên. Tháng 4-1965, ông lên đường đi chiến trường miền Nam và công tác tại các cơ quan an ninh. Năm 1977, ông về làm việc tại Công an Bắc Thái và nghỉ hưu năm 1980.
Theo lời kể của những người cùng công tác, ông Lê Huy Kim rất giỏi võ nghệ, kiếm pháp. Ngay từ năm 1952, ông đã dạy võ cho lực lượng Công an Thái Nguyên. Ông mất năm 2012.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Lê Huy Hoàng, người con út được ông Lê Huy Kim giao quản lý thanh kiếm, hiện ở tổi 11, phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên, bộc bạch: “Bố tôi nói đây là thanh kiếm của Cung Đình Vận, Tuần phủ Thái Nguyên. Những năm bố tôi làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam, thanh kiếm được mẹ tôi gìn giữ cẩn thận. Mẹ và mấy chị em tôi không biết tại sao bố có thanh kiếm này”.
Thanh kiếm dài 92cm, cả vỏ là 94cm, trên sống lưng kiếm còn nguyên hàng chữ bằng tiếng Pháp được dập sắc nét. Chuôi kiếm bằng gỗ phíp. Đốc kiếm ốp đồng với nhiều họa tiết tinh xảo. Do được bảo quản tốt, thanh kiếm trông vẫn còn như mới và rất sắc.
Ông Vũ Ngọc Tiến, nhà liền kề, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường Hương Sơn, cho biết: “Ông Lê Huy Kim rất chăm tập thể dục bằng võ thuật và múa kiếm. Không ai hỏi ông về thanh kiếm, bởi trước đây đao kiếm trong dân nhiều người có. Nhiều lần trò chuyện, ông bảo đó là thanh kiếm của Cung Đình Vận. Khi ông mất, có nhiều giai thoại về tài nghệ võ thuật của ông. Một số ý kiến cho rằng, khi giành chính quyền, ta tịch thu của địch các loại vũ khí, ông thành thạo kiếm pháp nên được trao sử dụng để bảo vệ chính quyền cách mạng”.
Thanh kiếm của Tuần phủ Thái Nguyên đang được gia đình ông Lê Huy Kim gìn giữ là có thật. Tuy nhiên, thực hư câu chuyện Cung Đình Vận được Toàn quyền Đông Dương tặng và vì sao ông Lê Huy Kim có thanh kiếm này chỉ là những lưu truyền, chưa có cơ sở kiểm chứng. Tôi cho rằng rất có thể thanh kiếm đến tay người chiến sĩ công an khi đó là có chủ ý, không hẳn vô tình “lưu lạc”.
Người trong cuộc đã về miền xa thẳm. Thiết nghĩ, việc giải mã bí ẩn và có biện pháp cùng gia đình bảo quản hiện vật đúng cách, tránh hư hỏng cũng là điều nên làm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin