Nằm ở phía Tây Bắc TP. Sông Công khoảng 7km, xã miền núi Bình Sơn có Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia căng Bá Vân, nơi chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở đây. Tiếp nối mạch nguồn cách mạng, các thế hệ cán bộ, đảng viên, người dân Bình Sơn đã và đang chung tay để địa phương “thay da đổi thịt” từng ngày.
Bia Di tích lịch sử căng Bá Vân. |
“Trường học cách mạng” năm xưa
Trong chuyến công tác về xã Bình Sơn lần này, chúng tôi được cùng lãnh đạo xã đến thăm cụ Lê Quang Huấn, người chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử tại xã Bình Sơn và Di tích căng Bá Vân. Đã 87 tuổi nhưng cụ Huấn vẫn minh mẫn, giúp con cháu việc nhà.
Nhắc đến Căng Bá Vân, cụ Huấn bồi hồi: Ngày đó, tôi khoảng 6-7 tuổi. Năm 1942, phong trào sinh viên bãi khoá lên cao, cha tôi đang học ở trường Bưởi (Hà Nội) về. Ở nhà, ông chỉ kéo nhị và hát. Thấy cha tôi có tài lẻ, một số cán bộ đang hoạt động cách mạng tại Căng đưa lên kéo nhị cho đoàn tù nhân diễn kịch. Cứ chiều chiều, tôi lại được lên Căng cùng cha kéo nhị, đánh trống cho các tù nhân diễn kịch, hát những vở họ tự soạn ra để tuyên truyền cách mạng. Vườn hoa trong tù, họ cũng trồng theo chữ VM, nghĩa là Việt Minh, sau bị bọn cai tù phát hiện ra và truy xem ai trồng…
Cụ Lê Quang Huấn là người chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử tại xã Bình Sơn. |
Tháng 6-1940, thực dân Pháp chọn khu vực gò đồi ở làng Bá Vân (nay thuộc xã Bình Sơn) để lập một khu trại giam (gọi là căng) để giam giữ hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Thực hiện chủ trương “Biến nhà tù đế quốc thành trường học Cộng sản”, tháng 6-1942, các đồng chí đảng viên trong Căng đã tập hợp thành lập Chi bộ đảng, lúc đầu có 10 đảng viên, sau tăng lên 30 đồng chí.
Sau này, Chi bộ đã tổ chức bí mật tiếp cận với nhân dân địa phương lân cận, tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng; đồng thời tìm cách liên lạc và nhận tài liệu, chỉ thị từ Xứ ủy Bắc Kì. Từ đó, Chi bộ Căng xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng bí mật, trong đó đình Bá Vân là địa điểm đặt hòm thư bí mật, nơi cất giữ tài liệu, nhiều hộ dân nơi đây cũng trở thành trạm liên lạc giữa Chi bộ với Xứ ủy.
Khi cơ sở cách mạng được lập ngày càng nhiều, cùng với sự giúp sức của quần chúng nhân dân, các cuộc đấu tranh, biểu tình, tuyệt thực đòi quyền cơ bản của các tù nhân trong Căng đã thành công, đặc biệt là cuộc vượt ngục của 8 đồng chí đảng viên trong Căng vào ngày 22/8/1944. Sau khi vượt ngục thành công, các đồng chí tham gia vào phong trào cách mạng tại các địa phương, tiến đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Mặc dù chỉ tồn tại từ năm 1941 đến 1944, nhưng căng Bá Vân, sau đó là Chi bộ Căng là sự khởi nguồn của cơ sở cách mạng Bá Vân và phong trào cách mạng ở các xã lân cận. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Điểm tựa phát triển hôm nay
Những ngày tháng Tám lịch sử, các đường làng, ngõ xóm ở Bình Sơn cờ hoa rực rỡ, không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Đâu đâu, người dân cũng vui vẻ bàn chuyện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi…
Trong phát triển kinh tế, địa phương xác định chè là cây trồng thế mạnh, hàng năm, xã vận động nhân dân đưa các giống chè lai vào trồng thay thế chè trung du với diện tích 15-20ha/năm. Toàn xã hiện có hơn 300ha chè giống mới, quy hoạch được 2 vùng chè tập trung với diện tích 60ha và 2 mô hình chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 20ha.
Năm 2019, xã thành lập được Hợp tác xã trà Cao Sơn ở xóm Khe Lim với diện tích vùng nguyên liệu 50ha. Hợp tác xã hiện có 3 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 4 sao. Ngoài ra, xã còn quy hoạch 10ha lúa lai chất lượng cao; thành lập mới 6 hợp tác xã, 12 tổ hợp tác, gần 50 trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hồ Ghềnh Chè có diện tích mặt nước khoảng 80ha, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. |
Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, một số người dân Bình Sơn còn thay đổi tư duy, từng bước xây dựng điểm du lịch cộng đồng nhằm khai thác lợi thế cảnh quan của hồ Ghềnh Chè với diện tích mặt nước khoảng 80ha, gồm 45 bán đảo. Anh Lê Văn Hiệp, Hợp tác xã du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, cho biết: Năm 2019, Hợp tác xã được thành lập với 19 thành viên, kinh doanh theo 7 nhóm dịch vụ gồm: Điều hành tour du lịch, dịch vụ hỗ trợ quảng bá, tổ chức tour du lịch, lưu trú, vận tải đường thủy nội địa... Hợp tác xã đã hoàn thành một số công trình như: Khu đón tiếp, bãi đỗ xe, khu vực nhà ăn và 3 tàu đưa đón khách tham quan hồ…
Đồng chí Dương Văn Hải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Sơn, cho biết: Xã đang nỗ lực huy động các nguồn lực, nhất là phát huy nội lực, hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, tập trung phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Kết thúc năm 2023, xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,17%... Năm 2024, Bình Sơn phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 55,5 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, sớm về đích NTM nâng cao...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin