Ngày cuối Thu, bầu trời cao xanh vời vợi, tạm gác những bộn bề, lo toan thường nhật, tôi cho xe thong dong qua các miền núi non trùng điệp, xanh thẳm bởi cây rừng, nương chè và vườn cây ăn quả của những miền quê thuộc huyện Đại Từ. Hữu duyên tôi lạc bước tới Thiên La Quang (Tây Quang tự) - một ngôi chùa nhỏ nằm ở xóm Đồi Chinh, xã Đức Lương.
Cây đa hơn 300 tuổi ở chùa Thiên La Quang. |
Ngôi chùa nằm khiêm nhường dưới tán đa trăm tuổi, khoáng đạt và bình yên. Mùi trầm hương phảng phất trong làn gió, du lòng về miền ký ức của tuổi thơ, với cây đa, bến nước, sân đình, một thời chăn trâu, đuổi bướm… Không hiểu sao cứ mỗi lần đặt chân đến chùa, bao vất vả, to toan, bộn bề công việc lại như vơi nhẹ để tôi được quay về với ký ức tuổi thơ, nơi có đám bạn cùng nhau nô đùa trong sự hồn nhiên, trong sáng với những tiếng cười trong trẻo, giòn tan... Tôi như quên tuổi tác, quên mưu cầu, trách giận, chỉ thấy lòng nhẹ bẫng theo tiếng tụng kinh, gõ mõ của thầy.
Vâng! Tôi có duyên hạnh ngộ thầy Hạnh Nguyên, pháp danh Đức Nghĩa, trợ duyên chùa Thiên La Quang. Tôi mang tâm tình của mình chia sẻ với thầy trong buổi trà chiều, thầy bảo: Gặp nhau ở cõi hồng trần là nhân duyên từ muôn lượng kiếp, chị muốn nói gì, hỏi gì cứ thoải mái, đừng lo sai, đúng, nếu sai thầy sẽ giải thích, nếu đúng thầy sẽ khích lệ, ai đến với chùa cũng mong tâm được an lạc nên hãy gạt bỏ mọi vướng bận để sống thật với lòng mình.
Những lời thầy nói nhẹ nhàng, khiến những “vết xước” trong tôi như được “chữa lành”. Giữa chốn nhân gian, bao ngày tháng tôi rong ruổi ngược xuôi, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, chứng kiến bao phận đời khổ đau, bất hạnh, với mọi hỷ, nộ, ái, ố, oan khuất… bản thân cũng có lúc vướng vào những sân, hận. Khi đó, tôi thường đến một nơi bình yên, tĩnh lặng để có chút lắng đọng tâm hồn, tìm về bên trong của chính mình.
Buổi trà chiều cùng thầy Hạnh Nguyên trong gian phòng nhỏ, nơi có bộ bàn ghế được làm từ thân gỗ thông vài trăm tuổi, thầy giải thích: Cây thông già có tự khi nào không ai biết, cũng như ngôi chùa này có từ bao giờ cũng chưa ai hay. Các bậc cao niên chỉ bảo, từ nhỏ đã thấy cây thông to đến vài sải tay mọc cạnh chùa. Sau đó, cây thông bị sâu gốc, chết dần, thầy mới xin các ngài đốn hạ để đóng thành bàn, ghế.
Rót chén trà thơm mời khách, thấy chúng tôi vẫn không được tự nhiên, thoải mái, thầy bảo: Hôm nay, các chị hữu duyên đến thăm chùa, gặp thầy, đừng nên câu lệ quá vì mọi sự trên đời đều có nhân duyên nên các chị mới gặp thầy và thầy gặp được các chị. Nếu chúng ta cứ cẩn trọng, chấp chước từng lời nói, từng hành động thì tự mình khổ trước. Căn nguyên của mọi khổ đau trên đời đều do ham muốn, sự cố chấp của con người. Tâm sinh ham muốn quá nhiều mà không đạt được, ấy là khổ đau.
Thầy Hạnh Nguyên, pháp danh Đức Nghĩa, trợ duyên chùa Thiên La Quang. |
Đó là “bài pháp” đầu tiên tôi được khai mở, là thầy nói về nhân duyên của con người khi gặp được nhau nơi “cõi tạm”, nên trân trọng từng khoảnh khắc để sống thật thoải mái, vui vẻ và trọn vẹn. Vậy là câu chuyện giữa chúng tôi và thầy trở lên gần gũi và thân thiện. Tôi tâm sự chuyện nghề, còn thầy chia sẻ chuyện “nên duyên” với chùa Thiên La Quang.
Thầy sinh ra ở Huế, xuất gia từ năm 12 tuổi, tu học ở Sài Gòn. Cuối năm 2011, thầy đến trợ duyên chùa Thiên La Quang. Lúc đó, chùa chỉ là một gian chòi nhỏ được một số người dân trong xã dựng lên để thờ Phật. Sau 12 năm, ngôi chùa đã được xây dựng khang trang nhờ sự đóng góp của các tăng ni, phật tử và du khách thập phương.
Từ lòng mến mộ, kính yêu tâm đức của thầy mà ngày càng có nhiều tăng ni, phật tử, người dân tới chùa tu tập, phát tâm, ủng hộ xây dựng nhà chùa cũng như cùng với nhà chùa làm tốt công tác thiện nguyện tại địa phương, như: Tuyên truyền người dân sống hướng thiện, biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ nhau; đoàn kết xây dựng nông thôn mới; đóng góp tiền của giúp đỡ các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Nghe thầy trò chuyện, tôi ngộ ra được nhiều điều, như làm được việc gì tốt cho nhân dân thì hết sức làm, làm hết trách nhiệm mà không cần họ phải ghi nhớ. Luật nhân quả là vậy, chúng ta đừng đòi hỏi người khác phải yêu mến, kính trọng mình mà mình phải tự tích phước đức trước, phải biết gieo trồng hạt giống thiện lành để gặt hái được trái ngọt. Một người khi đã đủ phước đức, không cần mong đợi hay kêu gọi, người khác vẫn tự nhiên yêu quý, kính trọng mình. Nếu người ta có không yêu quý mà ghét bỏ mình cũng nên hoan hỷ với họ, vì họ chấp niệm như vậy nên vẫn mang trong mình khổ đau.
Con người phải luôn biết tu dưỡng nội tâm mình cho thuần thiện, có lòng thương yêu con người, góp phần diệt trừ cái xấu, cái ác… Dù mình có thể chưa giúp được nhiều người nhưng nếu lúc nào mình cũng có tâm hướng thiện, yêu thương con người, yêu thương bách tính bằng tất cả tấm lòng… thì chắc chắn phước báu sẽ tự tìm đến…. Rồi thầy nói về sự vô thường. Sự vật sớm còn tối mất, có thể chỉ một giây phút sau là đời này đã chuyển sang đời khác, vạn vật biến chuyển trong từng khoảnh khắc. Lời thầy nói mộc mạc, chân thành và dễ hiểu, khiến chúng tôi như “uống cạn” từng lời, thấm vào từng mạch huyết để khai thông những vô minh, khúc mắc, lo âu, phiền muộn.
Nơi quán trọ trần gian, trăm năm là hữu hạn. Đời người, thử hỏi mấy ai có được trăm năm? Vậy thì, mọi sự đến - đi, không nên cưỡng cầu, hãy để vạn sự tùy duyên. Sống biết buông bỏ mọi chấp chước, chấp niệm để thư thái tâm hồn, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thế gian trong từng khoảnh khắc; cảm nhận được sâu sắc, đầu đủ sự quan tâm, chia sẻ, yêu thương… từ những người ta yêu quý và những người mến thương ta, để mỗi ngày trôi qua là một ngày vui vẻ và hạnh phúc. Chia tay thầy, câu nói “biết đủ là vui”, “vạn sự tùy duyên” vẫn còn vẳng bên tai chúng tôi. Một ngày hữu duyên gặp được thầy, chúng tôi đã “lãi” một ngày, không biết sau đó có rũ bỏ được hết “tham, sân, si” nhưng đã cảm thấy lòng thư thái, hạnh phúc đến lạ…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin