Chùa Y Na - Cõi tìm về

Hải Đăng 15:23, 07/03/2025

Trong ồn ào phố thị, ngổn ngang của công việc, nhiều áp lực bởi hàng trăm mối quan hệ khiến không ít người muốn tìm một góc nhỏ bình yên để thả lỏng, tĩnh tâm. Và chùa Y Na, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) là một trong những sự lựa chọn chắc không phải của riêng tôi.

Khuôn viên chùa Y Na.
Khuôn viên chùa Y Na.

Ngôi chùa nhỏ nằm ẩn hiện dưới những tán cây to râm mát, tọa trên đỉnh một quả đồi cao giữa vùng đất Tân Cương “đệ nhất danh trà”, cách nhà tôi chỉ vài cây số. Nhưng đúng là dù gần, dù xa, vẫn rất cần một chữ duyên. Khi duyên khởi, tôi tự khắc nhìn thấy chùa, hoan hỷ tìm về mà không cần phải qua bất kỳ một lời giới thiệu hay kênh thông tin nào. Cõ lẽ, cũng bởi một chữ duyên mà cách đây gần 20 năm trước, lần đầu tiên đặt chân tới đó, tôi đã ngỡ như thân quen từ lâu, tôi đã thầm nhủ đây chính là “cõi” để tôi có thể tìm về khi vui vẻ cũng như những lúc buồn chán, cô đơn, chống chếnh…

Chùa không lớn nhưng đủ để tôi thả hồn trong cõi Phật, hít hà mùi hương trầm thoảng bay trong gió, nghe tiếng tụng kinh, gõ mõ để buông bỏ ưu phiền, cảm giác tâm hồn tĩnh tại, nhẹ nhõm. Đến chùa, luôn cho tôi cảm giác an nhiên trong thế giới như của riêng mình, bởi dường như bất kỳ ai đến đó, bước chân cũng trở nên nhẹ nhàng, êm ái, mọi lời nói đều trở nên dư thừa. Họ có lẽ cũng giống như tôi, im lặng để dễ dàng trở về cái bên trong của chính mình, dễ dàng hiểu mình muốn gì và không muốn gì.

Nơi thưởng trà trong khuôn viên chùa Y Na.
Nơi thưởng trà trong khuôn viên chùa Y Na.

Tôi có thể ngồi trước ban thờ của ngôi Tam bảo để thiền, để sám hối và xả bỏ những vướng bận đời thường; tôi cũng có thể ngắm nhiều loài hoa khoe sắc trong khuôn viên được bố trí khoa học, sạch sẽ, đẹp mắt đến từng chi tiết nhỏ; tôi cũng có thể thưởng trà cùng với các nhà sư, tâm sự chuyện đời, chuyện phật pháp hay thảnh thơi ngồi dưới tán cây ngắm nhìn tượng Phật hiền từ và các vị La Hán… vẳng bên tai tiếng ai đó khe khẽ ngâm: “Du xuân thong thả giữa tháng Giêng/ Đất trời cây cỏ thở an nhiên/ Mái chùa nở cánh hoa đào nhỏ/ Nhang khói an lành chốn linh thiêng...”   

Ngày đầu Xuân năm nào cũng vậy, con đường tôi sải những bước chân đầu tiên của năm mới là con đường tới chùa Y Na. Mỗi người đến chùa Y Na hay bất kỳ một ngôi đình, đền, chùa nào trên dải đất hình chữ S này đều có những mục đích của riêng, nhưng tôi tin tất thảy đều mong muốn một sự bình yên, an lạc trong tâm hồn. Chùa Y Na đã cho tôi cảm giác đó, vì những thời điểm nhiều du khách tới chiêm bái cũng không xô bồ, khi vắng lặng cũng không tẻ nhạt, không gian chùa luôn tạo cho mọi người cảm giác thoải mái, an nhiên.

Ngày đầu Xuân Ất Tỵ, như thông lệ, tôi lại vào chùa. Chùa Y Na năm nay được trang hoàng ấm cúng, tươi đẹp hơn mọi năm nhưng vẫn không làm mất đi nét đẹp rêu phong của ngôi chùa cổ nằm giữa đất chè. Chùa tọa lạc trên một quả đồi cao nhất xã, có tên gọi là đồi Rùa.

Tượng Phật và các vị La hán ở chùa Y Na.
Tượng Phật và các vị La hán ở chùa Y Na.

Theo lời của các bậc cao niên trong xã, cho đến giờ, vẫn chưa xác định được rõ ràng thời gian xây dựng chùa Y Na. Chỉ biết ngày xưa, đây là một khu vực rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp, hoang vu, có nhiều muông thú, rất ít người dám qua lại. Khi đó, nhà Tổ của chùa chỉ rộng hơn 30m2, ngôi Tam bảo khoảng 50m2, hậu cung hơn 10m2.

Trước năm 1945, nơi này là địa điểm hoạt động bí mật của Việt Minh, là nơi nuôi giấu, che chở cho nhiều cán bộ cách mạng. Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều trường học đã chuyển về đây sơ tán. Ngày đó, phía trước chùa còn có một ngôi đình thờ Thành Hoàng làng, nhưng về sau thực hiện tiêu thổ kháng chiến đình bị phá đi, nay chỉ còn một chiếc giếng.

Năm 1992, dân làng xây lại chùa theo diện tích cũ. Năm 2002, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương mong muốn mở rộng nơi thờ tự, chùa được xây dựng như hôm nay. Chùa có khuôn viên rộng gần 7.000m2, chùa được thiết kế với ngôi Tam bảo rộng hơn 200m2, nhà tổ hơn 100m2, nhà thờ mẫu và nhà khách khang trang. Chùa Y Na đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014.

Chùa Y Na.
Chùa Y Na.

Sáng ngày 11 tháng Giêng hằng năm, Ban Trị sự chùa Y Na thường tổ chức khai hội. Lễ hội chùa Y Na gồm 2 phần phần lễ và phần hội. Phần lễ với nghi thức dâng hương cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu. Phần hội gắn liền với Lễ hội “Hương sắc trà Xuân” của xã Tân Cương với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, như: rước cây chè đẹp; thi sao chè bằng phương pháp thủ công truyền thống; thi hái chè nhanh; thi các môn thể thao, văn nghệ và có các trò chơi dân gian, như ném còn, cờ tướng, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố, bịt mắt đánh trống… thu hút đông đảo người dân trong xã và du khách tới chiêm bái, chung vui. Đến đây, chúng ta vừa vãn cảnh chùa, vừa tìm hiểu về mảnh đất huyền thoại đã làm nên thứ chè được mệnh danh là “đệ nhất danh trà”.

Với riêng tôi, tôi luôn yêu thích, mê hoặc cái khung cảnh tĩnh mịch, thanh thuần của chùa Y Na, giúp tôi có những giây phút thư thái, bình yên sau những lo toan, bộn bề trong cuộc sống. Được hiểu thêm về đạo và thấm hơn về đời, để hiểu cái gì cần giữ cái gì nên buông, để có niềm tin vào nhân quả, để luôn sống tốt đời, đẹp đạo giống như lời răn dạy tôi đã đọc được ở chùa Y Na “Muôn sự trên chốn trần gian/ Có qua, có lại, có tàn, có sinh/ Gieo thiện được hưởng an bình/ Gây ác nhận quả, điêu linh sau này/ Nên làm điều tốt điều hay/ Tu tâm, dưỡng tính, sau này an vui/ Tương lai được hưởng ngọt bùi/Anh em hạnh phúc niềm vui tràn đầy...”

Trong đời sống tâm linh của người Việt, chùa là nơi linh thiêng và tôn kính. Từ đó, con người dễ dàng tìm được đức tin, sự thanh thản, bình an trong tâm hồn. Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người dân Việt Nam giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên và các bậc hiền nhân, Anh hùng dân tộc, mà còn hướng con người tới chân, thiện, mỹ, tạo dựng niềm tin giữa con người với con người trong cuộc sống.

Từ khóa:

chùa y na

cõi tìm về

y na