Vào một sáng mùa hè ba năm trước (2005) tôi nhận được điện thoại của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Bắc Son, anh cho biết vợ chồng chị Hạ Chí Nhân con nhà cách mạng lão thành Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang) đang ở nhà khách Tỉnh uỷ, nhờ tôi tháp tùng anh chị lên khu di tích lịch sử ATK Định Hoá tìm về nơi chôn rau cắt rốn ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc.
Hồi tôi mới tốt nghiệp đại học văn hoá về Thái Nguyên (1988) tôi được cử đi tháp tùng đồng chí Hoàng Quốc Việt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thăm cơ sở cách mạng ở Tiên Thù, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên. Sau khi đến nhà truyền thống xã ông dẫn mọi người thăm nhà bà Nguyễn Thị Úc (tức bà Tỳ) cơ sở in báo Cờ giải phóng của Ũứ uỷ Bắc Kỳ, bà Tỳ rất xúc động kể lại hồi cho báo Cờ giải phóng vào quang gánh giả người đi chợ bán khoai, bán lạc… phân phát đi các cơ sở ở Phổ Yên, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Khi đến gia đình ông Ngô Hải Long nơi Hoàng Quốc Việt cùng Tổng bí thư Trường Chinh từng qua lại hoạt động dài ngày hồi năm 1940-1941, ông thắp hương bàn thờ liệt sĩ Ngô Văn Luân bố ông Ngô Hải Long bảo vệ cán bộ, hy sinh tại nhà lao của thực dân Pháp ở Thái Nguyên.
Khuôn mặt tròn, cặp kính cận dày cộp, chị Hạ Chí Nhân tươi tắn, chân tình cùng chồng là anh Thu, kiến trúc sư quê ở Quảng Ninh với chúng tôi như đã từng quen biết từ lâu rồi. Chị Hạ Chí Nhân kể lại một thời hai anh em Hạ Bá Duy, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) từng làm thợ mộc lần hồi kiếm sống, hoạt động ở Đại Từ. Sau Hạ Bá Duy làm thợ mỏ Làng Cẩm (mỏ Khánh Hoà) gia đình ở Hà Thượng, Đại Từ mãi nhưng năm 70 thế kỷ trước mới về Hà Nội. Còn Hoàng Quốc Việt từng làm thợ mỏ than Phấn Mễ thời các chiến sĩ cộng sản đi “vô sản hóa”… Anh Thu, chị Nhân tặng cho Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và tôi một số ảnh tư liệu và sách hồi ký về đồng chí Hoàng Quốc Việt và các lão thành cách mạng khác.
Sau khi được bầu vào Ban thường vụ Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương VIII ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Tháng 5 năm 1941 đoàn về xuôi, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã dừng chân ở núi Lều, Tràng Xá thuộc vòng căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, để truyền đạt nghị quyết mới của Trung ương về xây dựng, phát triển phong trào cách mạng Việt Nam.
Sáng ngày 15/9/1941 tại rừng Khuôn Mánh 36 chiến sỹ (3 nữ) tề tựu trước lá cờ đỏ sao vàng với vũ khí thô sơ như súng Dóp 5, Dóp 3, súng kíp, dao, kiếm, lựu đạn… đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Ban thường vụ Trung ương Đảng tuyên bố thành lập đội Cứu quốc quân 2 do Chu Văn Tấn chỉ huy trưởng, Nguyễn Cao Đàm Chính trị viên, Trần Văn Phấn chỉ huy phó… các chiến sỹ cứu quốc quân tuyên thệ quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thực hiện 12 điều kỷ luật vừa công bố.
Khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại An toàn khu (ATK) Định Hóa lãnh đạo kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc. Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt ở nhà Phó chủ tịch, Chủ nhiệm Việt Minh xã Thanh Định - ông Triệu Đình Quân ở xóm Roòng Khoa. Ông Quân đã khuất núi. Triệu Đình Lệ một thiếu tá bộ đội nghỉ hưu, con ông Quân đón tiếp chúng tôi rất chân tình.
Bác Việt ở một gian trên nhà sàn này cùng gia đình, bên cạnh có đồng chí Xuân Thuỷ thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo cứu quốc và anh em biên tập, phóng viên… ở cùng bác Việt có đồng chí cần vụ bảo vệ, cán bộ giúp việc và một con ngựa hay buộc dưới gầm sàn. Vài tháng sau khi làm xong nhà lán trên đồi Khau Goại cách đấy 100m, bác Việt chuyển lên ở lán làm việc cùng cơ quan…
Bác Hồ, bác Tôn, đồng chí Trường Chinh từng lên họp làm việc với chủ nhiệm tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt trên đồi Khau Goại. Từ nơi đây ngày 3/7/1951 Bác Hồ đến tiễn đưa đoàn gồm 13 đại biểu quân dân, chính đảng (cụ Phạm Bá Trực, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hoài Thanh, chị Triệu Thị Soi, em Nguyễn Ngọc Sơn 15 tuổi, đồng chí Dũng Mã Trung đoàn phó Trung đoàn 165… do Hoàng Quốc Việt dẫn đầu vượt qua khói lửa chiến tranh đến cổ vũ nhân dân Trung Quốc anh em trong công cuộc xây dựng lại đất nước và nhân dân Triều Tiên chiến đấu giải phóng tổ quốc… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, ngày 13/12/1951 đoàn của đồng chí Hoàng Quốc Việt lại trở về Điềm Mặc, ATK Định Hóa báo cáo kết quả chuyến đi với Bác Hồ và Bộ Chính trị.
Hồi ấy, Roòng Khoa có hội trường 8 mái lợp lá cọ, nơi hội họp của các cơ quan đoàn thể như: Tổng bộ Việt Minh, Hội nông dân cứu quốc, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam…
Chị Hạ Chí Nhân cho biết, hồi ấy mẹ chị công tác ở Hội Phụ nữ cứu quốc ở xóm Bản Quyên (xã Điềm Mặc) khi hỏi đến ông Ma Đình Điền một nhân chứng biết rõ các đồng chí và cơ quan Trung ương hồi kháng chiến mấy lần trước lên còn được gặp, ông Triệu Đình Lệ cho biết cụ Điền mất đã hơn năm ở tuổi ngoài 90…
Bên ánh lửa nhà sàn, nâng cốc nước chè tươi, tôi thấy ánh mắt chị Hạ Chí Nhân nhạt nhoà khi ôn lại những kỷ niệm về người cha ở nơi chị cất tiếng khóc chào đời giữa núi rừng Việt Bắc trong sự đùm bọc của bà con dân tộc nơi đây. Uống nước nhớ nguồn đó chẳng đã là một đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đó sao?
Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể lại(1):
Lúc này, tại khu vực Định Hoá, có nhiều thú dữ, nhất là hổ. Chính hổ đã vồ mất con “tu-ma” ở đồi Tỉn Keo mà những anh em bảo vệ Bác đã nuôi nó từ những ngày đầu tiên kháng chiến. Dân địa phương nói rằng, giống hồ thường sợ nứa nhọn. Vì vậy, các đồng chí bảo vệ đã đi chặt nứa để đan làm cửa nhà và rào giậu chung quanh nơi Bác ở. Vì có nhiều thú dữ và đề phòng khả năng địch tập kích bất ngờ, Cục bảo vệ quy định các cán bộ không được ngủ lẻ tẻ một mình và hạn chế việc “đi lẻ” về với gia đình.
Chúng tôi làm việc, ăn nghỉ đều trong khu vực bảo vệ. Một hôm, tôi nằm ngủ cùng anh Lân, chiến sỹ cảnh vệ và anh Dư, bác sỹ quân y. Vì lâu ngày không được gặp vợ, nên nhớ. Đang đêm, khi các anh ngủ say, tôi, “bí mật” lẻn ra ngoài, đi thẳng xuống chỗ nhà tôi. Một lát sau, các anh tỉnh giấc, không thấy tôi, liền vùng dậy đi tìm. Tìm mãi không thấy, các anh lo lắm, đành phải đến báo cáo với Bác. Nghe xong, Bác nói: “Các chú xuống chỗ cô Bảy xem, nếu không có ở đấy, thì hổ vồ rồi”. Mấy hôm sau gặp Bác, Bác nhìn tôi mỉm cười: Chú Việt đánh “du kích” rất giỏi. Tôi phục chú đấy”. Tôi hơi ngượng, nói khẽ: “Thưa Bác…”. Trước sự ấp úng của tôi, Bác cười to. Tôi cười theo. Sự đôn hậu của Bác sưởi ấm lòng tôi trong cái rét ngọt ngào của rừng núi Việt Bắc. Khi Bác thấy nhà tôi và chị Thuận, vợ anh Lê Văn Lương đều có mang. Bác nói: “Cô nào sinh con trước, Bác đặt tên cho”. Nhà tôi sinh trước; được Bác đặt tên cho cháu là Hạ Chí Nhân.
(1) Con đường theo Bác Hồ, Hồi ký Hoàng Quốc Việt, Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội. Tái bản năm 2003 trang 243.