TNĐT - Đồi Cọ thuộc bản Bắc, xã Điềm mặc Định Hóa. Tại đây nhà thơ Tố Hữu với tư cách là Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, thứ trưởng Bộ Văn hóa đã trao Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và điện ảnh Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 15-3-1953 cho anh em nhiếp ảnh, điện ảnh, chính thức khai sinh hai nền nghệ thuật cách mạng: Nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam.
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn cuối, gia đình nhiếp ảnh và điện ảnh Việt Nam (gọi là phòng 5) ở gần bến đò Bình Ca, Tuyên Quang. Tuy nhiên địa điểm nay không đảm bảo an toàn nên năm 1952 khi nhà điện ảnh Phạm Khoa được cử về tham gia ban phụ trách, ông nhận thấy địa điểm này không đảm bảo bí mật và an toàn nên phòng 5 đã chuyển về Đồi Cọ, Định Hóa. Tại đây tập kết nhiều máy chiếu, máy nổ được các nước bạn viện trợ sang. Cũng chính tại nơi này, trên 200 thợ máy nổ, máy chiếu phim, thuyết minh phim chụp ảnh được đào tạo cấp tốc đi vào các mặt trận phục vụ sản xuất và chiến đấu. Đồi A là trụ sở chính của gia đình nhiếp ảnh, điện ảnh gồm nhà làm việc, hội trường, nơi chiếu phim; đồi B là nơi làm việc của các phân xưởng, nhạc sỹ, họa sỹ, quay phim, chụp ảnh; đồi C là nơi sửa chữa máy nổ, máy chiếu phim, quay phim, làm ảnh cho các địa phương, các chiến trường...
Chính tại Đồi Cọ, bộ phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh nước nhà: Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc đã ra đời, bộ phim đã được gửi đi dự Liên hoan Thanh niên – sinh viên thế giới năm 1951 tại berlin. Từ đây tiếng nói của điện ảnh Việt Nam đã đến với thế giới.
Với tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” hằng năm vào ngày 15-3 các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lại hành hương về đồi Cọ.