TNĐT- Người dân Thái Nguyên luôn tự hào vì nơi đây là mảnh đất đã sản sinh cho nước nhà nhiều tiến sĩ tài năng dưới các triều đại phong kiến. Trong những tiến sĩ tài năng đó có Nguyễn Cấu, người làm quan suốt 6 đời Vua Lê.
Nguyễn Cấu tức Nguyễn Đình Cấu, quê ở làng Thanh Thù, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ) khoa Quý Mùi (1463) niên hiệu Quang Thuận năm thứ 4 đời Vua Lê Thánh Tông, làm quan tới chức thị vệ (Chức thị vệ là chức vụ chỉ huy quân thị vệ, túc vệ chuyên tháp tùng vua, chức vụ này thời ấy thường lấy quan Đại thần ban võ kiêm quản).
Nguyễn Cấu làm quan 6 đời Vua Lê: Lê Thánh Tông (1460-1497); Lê Hiến tông (1498-1504); Lê Túc Tông (1504); Lê Uy Mục (1505-1509); Lê Tương Dực (1510-1516); Lê Chiêu Tông (1516-1522). Ông có nhiều thăng tiến trên con đường võ nghiệp dài gần 60 năm, chủ yếu giữ trọng trách bảo vệ trong cung cấm.
Vào thập niên thứ 2 của thế kỷ XVI, nhà Lê bắt đầu suy yếu, Mạc Đăng Dung uy quyền ngày càng lớn lấn lướt quyền vua và có ý đồ chuẩn bị thiết lập vương triều nhà Mạc, là trung thần của nhà Lê, Nguyễn Cấu đã bị lực lượng thân cận với Mạc Đăng Dung giết chết vào ngày 27/7/1522.
Theo gia phả dòng học Nguyễn ở Thanh Thù, thời Lê Trung Hưng triều đình truy phong cho Nguyễn Cấu là Lê triều khâm sai Đại thần, Chỉ huy sứ thị vệ long quân cẩm hầu, Chánh Đô đốc, Đức Bác quận công-Thượng Đẳng Thần”. Lê triều khâm sai Đại thần là là chức Đại thần trong triều Lê được đặc phái ra ngoài để làm việc nội chính. Chức Chỉ huy sứ là chức võ quan, đời Hồng Đức nhà Lê cho hàm Chánh thứ phẩm phụ trách các ban ở trước cung điện nhà vua; chức Đô đốc có tả Đô đốc, hữu Đô đốc hàm Tòng nhất phẩm xếp ngang với Tam thiếu là những chức vụ cực lớn trong triều.
Là võ quan cao cấp giữ nhiệm vụ chỉ huy cấm vệ của nhiều đời nhà Lê, Nguyễn Cấu là người có tài, trung thành và được triều đình tin dùng. Thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn có sắc phong cho làng Thanh Thù thờ tiến sĩ Nguyễn Cấu làm Thành hoàng.