TNĐT- Nằm ở làng Phương Độ (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) Đình Phương Độ được xây dựng vào thế kỷ 15 thờ Đức thánh Dương Tự Minh.
Ngôi đình không những là nơi thờ tự, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, những kiến trúc cổ độc đáo mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp nơi đây còn là một cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng.
Tháng 8-1945, ngôi đình được chọn làm nơi tổ chức lễ tế cờ chào mừng thành công của Cách mạng Tháng 8; các lớp tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính phủ, các phong trào như “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng” cũng được tổ chức tại đây. Với những giá trị lịch sử văn hoá, cách mạng đó từ năm 1993 ngôi đình đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đình Phương Độ là một di tích mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê, với mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc cong vút ẩn hiện dưới tán cây đa cổ thụ. Gác chuông được xây 3 tầng, trước cổng đình là ao bán nguyệt. Đình được dựng lên bởi 48 cột lim có đường kính 0,3-0,5m. Bốn góc đình được thiết kế hình mũi cong tạo cho đình một vẻ đẹp thanh thoát nhẹ nhàng. Trên mái đình được trang trí theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Ở trong đình, trên-dưới các đầu trụ, đầu cầu và các xà ngang, xà dọc đều được trang trí hoa văn, chạm trổ các bộ “Tứ linh” (Long-Ly-Quy- Phượng) rất khéo léo, công phu.
Gian chính của đình là nơi đặt điện thờ gồm: Một bàn hương án trang trọng lộng lẫy gọi là Thượng Cung Đình. Trên Thượng Cung Đình có Cửa Vọng được sơn son thiếp vàng. Phía trong Nội Cung đặt tượng đức thánh Dương Tự Minh tạc bằng gỗ hình nổi. Bên tả và bên hữu của bàn hương án là bộ “Hạc đứng lưng Quy” thể hiện cho sức mạnh và sự chiến thắng. Trong gian chính còn có câu đối, các bức tranh, bộ bát cửu…được bố trí hài hoà làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: Một sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; Bàn hương án của cuối thời lê Đầu Thời nguyễn; Bát hương sành cổ (thời Lê); Hai cây nến đồng cao 0,8m (thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án…được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế.
Hàng năm vào Rằm tháng giêng, ngày 4 tháng tư, mùng 10 tháng mười (Âm lịch) và các ngày lễ tết người dân Phương Độ vẫn mở hội truyền thống, có rước kiệu, múa lân, tế lễ, vật, chọi gà và vui văn nghệ thu hút đông đảo khách thập phương gần xa.
>Ngôi đình mang tên ''rồng bay''
>Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam