Huyền thoại Đền Quán

16:32, 16/12/2008

TNĐT- Đền Quán thuộc xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, là một ngôi đền cổ xây dựng theo lối kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn (1802-1945) gắn liền với sự tích của hai ông Thần rắn.

Đền Quán thờ vị thần mà dân làng tôn sùng là Đức thánh Mẫu. Trong đền còn tượng thánh Mẫu, chiếc áo lụa tơ tằm có hai con rắn chầu vào, một hoành phi và một câu đối nội dung ca ngợi phong cảnh thiên nhiên, công trạng của vị thần được thờ ở đền.

Huyền thoại kể rằng Thánh Mẫu là người trong làng, một lần đi hái dâu xuống sông múc nước uống đã đi lạc vào Thủy cung và kết duyên với Vua Thủy tề. Có mang với Vua Thủy tề nhưng vì thương nhớ quê hương nên bà xin về nơi trần thế. Vua Thủy tề đồng ý nhưng không cho bà nói ra nhưng gì đã thấy nơi Thủy cung. Trở về dương gian, bà sinh hạ hai con rắn, sợ hãi bà đem hai con rắn thả về bến sông. Khi về già, nghĩ mình không sống được bao lâu nên bà đã kể lại câu chuyện của mình cho dân làng nghe, kể xong thì bà mất. Dân làng đưa bà đi an táng ở núi Cu Có, trên đường đi phong ba bão táp nổi lên ầm ầm, người làng phải tìm nơi ẩn náu. Khi hết mưa,dân làng quay lại thì không thấy gì ngoài những đống tiền để lại. Kể từ đó dân làng tôn bà làm thánh Mẫu và mở lễ hội tưởng niệm vào ngày bà mất: Rằm tháng ba âm lịch.

Người dân địa phương vẫn kể lại rằng Đền Quán xưa đã được triều đình phong kiến nhà Nguyễn sắc phong cho việc thờ phụng, tiếc là sắc phong đã mất.

Đền Quán là một trong những thắng cảnh đẹp của huyện Phú bình, nơi ghi nhận mối tình giữa người trần thế và thủy thần. Đây cũng là sản phẩm của đạo  tu luyện theo lối thần tiên phát triển vào cuối triều Nguyễn ở nước ta.