Chùa Đán

14:58, 04/01/2009

TNĐT- Chùa Đán cách trung tâm T.P Thái Nguyên 5 km về phía Tây, ở địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên). Ngày 16/8/1945 một đơn vị chủ  lực của Việt Nam Giải phóng quân do  Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã hành quân từ Tân Trào về chùa Đán tập kết, sau đó tiến đánh quân Nhật và bè lũ phản cách mạng, giải phóng Thị xã Thái Nguyên.

Trước đây chùa Đán được xây bằng gạch đỏ, cột kèo bằng gỗ, lợp ngói vẩy, nhà Tam bảo của chùa rộng 5 gian, bên trong có một số tượng Phật, xung quanh chùa có trồng rất nhiều cây thông, đây là nơi các phật tử của làng Đán và các vùng lân cận đến để sinh hoạt tâm linh. Năm 1917, Vua Khải Định đã ban 2 sắc phong cho xã Thịnh Đán là: Được tôn thờ các vị tướng lĩnh có công với nước; hàng năm người dân được mở hội mùa xuân; hiện 2 sắc phong này đang được lưu giữ tại đền Hồ Sen.

 

Năm 1945, khi quân giải phóng về đến đây thì chùa vẫn còn nguyên vẹn, năm 1947, nước ta thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, chùa đã bị phá hết chỉ còn lại nền đất trống. Năm 1993 một số cụ cao tuổi và người dân của làng Đán tự nguyện quyên góp dựng tạm lại chùa, do kinh phí hạn hẹp nên cũng chỉ làm được 3 gian nhà tre, lợp ngói trên nền chùa cũ.

 

Năm 2002, được sự đồng ý của UBND tỉnh, các tăng ni, phật tử trong phường Thịnh Đán và nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh đã góp công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi chùa. Đến nay, chùa Đán đã cơ bản hoàn thành, nhà Tam bảo của chùa được thiết kế rộng 12 m, phía trước có 8 cột đá, vì kèo làm bằng gỗ, mái uốn cong theo kiểu cổ, lợp bằng ngói vẩy, đầu các mái có trang trí hình rồng.