Đình Xuân La thuộc xã Xuân Phương, Phú Bình, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.
Đình Xuân La được xây dựng lên để thờ người Anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương. Đình nằm trên một quả đồi thoai thoải giữa làng với kiến trúc nghệ thuật khá độc đáo. Nghi môn đình mới được tu bổ theo kiểu thức trụ biểu đơn giản. Chính giữa cừa đình là một lối đi lên. Hai bên lối đi là hai cột trụ biểu. Cột trụ có mặt cắt hình vuông, đầu cột trụ có nổi ô lồng đèn, các mặt thân cột trụ đắp nổi các gờ diềm cạnh, giữa cột trụ là nơi ghi các câu đối ca ngợi Dương Tự Minh. Nối liền cột trụ về hai phía lối đi là các bức tường lửng bao quanh sân đình.
Đại đình Xuân La tọa lạc trên nền cao cách mặt sân 80cm, thượng cung đình nằm ở gian giữa của đình lùi vào phía sau hàng cột cái trong và nâng lên tạo thành ban thờ, cách nền đình 2m trông trang trọng mà không đóng kín cách biệt. Thượng cung thờ Dương Tự Minh, trên có cửa võng sơn son thiếp vàng chạm khắc trang trí kiểu diềm hoa lá, mô típ lưỡng long chầu mặt nguyệt. Dưới cửa võng có bức đại tự đề: Thánh cung vạn tuế, phía trước thượng cung là bàn hương án và những đồ cúng lế. Tả, hữu bàn hương án là hai con Hạc đứng trên lưng Quy thể hiện sức mạnh và chiến thắng. Trong gian giữa các câu đối bức tranh và nhiều đồ thờ được treo ở các vị trí cân đối, hài hòa uy nghiêm
Đình Xuân La đến nay còn giữ được nhiều di vật quý thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau, ghi nhận lòng thành kính, sự ngưỡng mộ và ý thức bảo vệ di sản văn hóa của nhân dân. Đó là nhóm hiện vật bằng vải, giấy và nhóm hiện vật điêu khắc nghệ thuật gỗ. Nhóm hiện vật vải giấy gồm cuốn thần phả "Bản thôn thần thành hoàng sự tích" bằng chữ Hán Nôm được sao lại lần cuối năm 1883. Ba đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn, hai chiếc tàn, hai lọng hai câu đối với nội dung ca ngợi đức thánh Dương Tự Minh. Một y môn bằng vải thêu rồng chầu mặt nguyệt và đề tài tứ linh. Nhóm hiện vật điêu khắc nghệ thuật gỗ gồm bức tượng sơn mài tạc chân dung đức thánh. Một hương án gỗ chạm tứ linh, tứ quý. Cỗ kiệu bát cống sơn son thiếp vàng, một cây quán tẩy, một cửa võng kiểu diềm hoa lá hóa rồng chầu nguyệt, bốn bức tranh gỗ (hai quan văn, hai quan võ)...
Đình Xuân La hằng năm vẫn tổ chức các nghi lễ và lễ hội cổ truyền. Ngày hội lớn nhất được tổ chức sau khi nhân dân trong làng đã thu hoạch vụ mùa thắng lợi còn gọi là ngày đại lễ (ngày 10 tháng 10). Trong ngày này sẽ diễn ra nhiều trò chơi dân gian và sinh hoạt văn hóa với nhiều ý nghĩa khác nhau, tạo nên không khí sinh hoạt cộng đồng náo nức, trang trọng thu hút đông đảo khách thập phương tham dự
Đình Xuân La đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2002