Đồi Hoàng Ngân

16:21, 28/09/2010

Đồi Hoàng Ngân ở xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, Định Hóa. Trước đây quả đồi này mang tên Pù Ngạm Ngà, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam ở và làm việc giai đoạn 1948 - 1951. Sở dĩ quả đồi được đổi tên để ghi nhớ công lao người chiến sĩ cách mạng,  người sáng lập ra tờ báo Phụ nữ Việt Nam: Hoàng Ngân

 

Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921. Mẹ là Vũ Thị Đỗi, bố là Phạm Trung Long xuất thân từ công nhân mỏ, nhờ đóng tàu thuê người đánh bắt hải sản mà trở lên một gia đình khá giả có tiếng ở Hải Phòng. Với tư chất thông minh, học giỏi, cô bé Vân đến với cách mạng rất tình cờ: Một buổi đi học về, thấy trong nhà có khách lạ, bố mẹ tỏ ra rất quý trọng. Khách chính là anh Tô Hiệu, chú Hoàng Quốc Việt và anh Hoàng Văn Thụ...

 

Mới 14 tuổi (1935), cô bé nữ sinh Thành Chung xinh đẹp, lanh lẹ làm liên lạc, qua “mũi” bọn mật thám, mã tà, Việt gian đưa thư từ, công văn, cho các chú, các anh từ Chợ Sắt, nhà máy tơ, chợ Cột Đèn qua Bến Bính, Thủy Nguyên...

 

Năm 1936 được đoàn thể phân công, Phạm Thị Vân vận động nhân dân, xây dựng một số cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng... Cô góp sức trong việc vận động hàng vạn quần chúng xuống đường biểu tình chống Pháp trong ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 tại khu Đấu Xảo - Hà Nội và Hải Phòng...Giặc Pháp bắt được một số cán bộ lãnh đạo phong trào, Vân sa vào tay giặc. Sau nhiều ngày tra khảo, không có chứng cứ và cũng không khai thác được gì từ cô gái mới 15 tuổi, chúng buộc phải thả.

 

Phạm Thị Vân tham gia Thành ủy Hải Phòng do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư (sau đó Tô Hiệu bị giặc Pháp bắt giam đưa đi đầy, hy sinh tại nhà tù Sơn La). Vân được đoàn thể cách mạng rút đi thoát ly (1939). Tháng 10/1947, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư Đảng Đoàn và Bí thư Phụ nữ cứu quốc Việt Nam. Năm 1948, chị là người sáng lập tờ báo Phụ nữ Việt Nam và kiêm nhiệm Tổng biên tập đầu tiên của báo.

 

Sau đó Hoàng Ngân đi dự Hội nghị Phụ nữ tại Trung Quốc. Trên đường về bị địch phục kích bắn bị thương nặng, Nhưng Hoàng Ngân không chịu rời công việc để đi chữa trị dứt điểm. Chị bị sốt rét rừng hành hạ, vết thương tái phát. Chị em cáng Hoàng Ngân 15 km sang y xá Trần Quốc Toản (nay là bệnh viện quân đội 354) tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Chị hy sinh lúc 17 giờ ngày 17/7/1949.

 

Thương tiếc người con gái hy sinh mới 28 tuổi xanh, Bác Hồ đồng ý cho đổi tên quả đồi Pù Ngạm Ngà là đồi Hoàng Ngân. Đồi Hoàng Ngân đã được công nhận là di tích lịch sử và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.