Đến với Chùa Ha

12:40, 12/11/2010

Thái Nguyên có nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật và một trong số đó là Chùa Ha.

 

Chùa Ha có tên chữ là Bà Ha tự, ở xã Nhã Lộng (nơi đặt lỵ sở huyện Tư Nông xưa), huyện Phú Bình. Chùa tọa lạc trên quả đồi thoải khoảng 2,5ha, địa thế đẹp, thoáng mát, bao quanh có nhiều cây cổ thụ tạo cho chùa thêm tĩnh mịch, cổ kính.

 

Là ngôi chùa cổ có niên đại sớm của tỉnh Thái Nguyên, lưu giữ được kiểm dáng kiến trúc cổ thời Lê thế kỷ XVIII. Chùa Ha có tổng diện tích xây dựng 735m2, kiến trúc chùa kiểu chữ công, với 7 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, có khu nhà thờ tổ, thờ Mẫu nằm gọn trong khuôn viên khép kín. Kết cấu bộ vì kèo kiểu chồng rường, quá giang, kẻ chuyền. Tam quan chùa Ha có kiến trúc chồng diêm, 2 tầng khá độc đáo, tầng trên nhỏ hơn có tám mái lợp ngói mũi hài, có góc mái bằng gỗ tạo thành đầu đao nhọn, cong vút. Nội dung văn bia khắc trên 2 cột đá hình lục lăng tại thượng điện của chùa cho biết năm trùng tu chùa: “Hoàng triều Vĩnh Thịnh vạn vạn niên Thập nhị tuế tại Bính thân trong Xuân cốc nhật…” (ngày tốt, tháng 2, năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12, triều Lê (1976)).

 

Trong chùa còn bức hoanh phi Phật tức tâm và 6 câu đối, trong đó có câu soạn vào năm Thành Thái nguyên niên (1889): “Nhị bách dư niên sơn khởi tự - Trùng tu thử nhật bút kham minh” (Có nghĩa: Ngôi chùa làm trên núi đá đã có hơn 200 năm, nay được tu sửa lại, tôi cầm bút viết câu đối này). Trong chùa còn lưu giữ được 40 pho tượng cổ đường bệ, uy nghi, chất liệu gỗ và đất phủ sơn son thếp vàng. Các pho tượng được tạc dáng tỷ mỉ, công phu, mang nét đẹp dân dã.

 

Bức cửa võng chạm khắc công phu với đề tài tứ quý và bài biểu khắc trên gỗ còn khá nguyên vẹn, có niên đại Hoàng triều Thành Thái Nguyên niên. Chùa Ha có 28 cột đá. Cột đá cao 1,6m, chu vi 0,9m; khoảng cách giữa các chân cột là 2,2m, cột cái với cột quân 2,4m. Tiêu biểu là 2 cột đá hình lục lăng có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 12 – triều Lê (1716). Kỹ thuật đẽo gọt công phu đạt tới trình độ điêu khác đá tinh vi thế kỷ XVIII.

 

Chùa Ha được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2004. Hàng năm, chùa thu hút được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến vãn cảnh.