Đôi điều về Nhà tù Chợ Chu

13:04, 21/11/2010

Nhà tù Chợ Chu là một trong những di tích quốc gia, được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng theo Quyết định số 253 ngày 25-2-1998.

Nhà tù Chợ Chu là nơi giam giữ, lưu đày những người yêu nước tham gia các phong trào đấu tranh chống Pháp. Năm 1913, thực dân Pháp cho xây dựng Nhà tù trên một quả đồi cao ở xóm Vườn Rau, thuộc Chợ Chu, Định Hóa. Ban đầu, Nhà tù có quy mô nhỏ; các ngôi nhà giam làm bằng tre, gỗ, lợp lá đơn sơ. Năm 1942, Nhà tù được xây dựng bằng gạch, đá, xi măng kiên cố, có thể giam giữ cùng lúc 200 tù nhân.

 

Lịch sử của Nhà tù Chợ Chu là lịch sử đấu tranh kiên cường của nhân dân ta chống ách cai trị thực dân. Ngày 27 và 28-8-1922, tù nhân ở Nhà tù Chợ Chu nổi dậy phá nhà tù, chiếm bưu điện, cướp vũ khí chống lại giặc Pháp.

 

Trong những năm 40 của thế kỷ XX, nhiều chiến sỹ cách mạng và thân nhân tham gia Cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn bị bắt, giam cầm đầy ải ở Nhà tù Chợ Chu. Tháng 8-1943, 100 tù chính trị ở Nhà tù Sơn La bị dồn về giam ở đây, trong đó có nhiều đồng chí là đảng viên cộng sản. Từ đó, một chi bộ cộng sản trong tù được hình thành. Do cài được người vào hàng ngũ binh lính địch, Chi bộ Nhà tù Chợ Chu thường xuyên được sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong tù, các chiến sỹ cộng sản đã biến Nhà tù thành trường học cộng sản, nghiên cứu lý luận Mac–Lênin, học tập phương thức tổ chức, lãnh đạo cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Báo “Thông Ngàn” do các chiến sỹ cộng sản ở Nhà tù Chợ Chu và các màn kịch có nội dung yêu nước, tự hào dân tộc, các bài ca cách mạng vang lên trong ngục tù đế quốc là niềm động viên to lớn các chiến sỹ cộng sản, những người yêu nước bền gan đấu tranh, chờ thời cơ thuận lợi để vượt ngục ra ngoài hoạt động.

 

Thực hiện chủ trương đưa cán bộ bị giam trong các nhà tù đế quốc gia ngoài tham gia các phong trào cách mạng đang dâng cao, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo Chi bộ đảng Nhà tù Chợ Chu bố trí cho 12 đồng chí vượt ngục thành công ngày 2-10-1944. Đó là các đồng chí: Song Hào, Lê Hiến Mai, Tạ Xuân Thu, Hoàng Bá Sơn, Lê Trung Đình, Vũ Phong, Nhị Quý, Trần Tùng, Chu Nhữ, Nguyễn Cao và Phạm Ngọc Bổng…Sau đó, 12 đồng chí này đã tham gia các hoạt động trong phân khu Nguyễn Huệ thuộc chiến khu Hoàng Hoa Thám, đóng góp to lớn trong Cuộc Cách mạng Tháng Tám của dân tộc.