Đến với Thái Nguyên là du khách đến với vùng đất phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn.
Nơi đây có ATK - an toàn khu kháng chiến Định Hóa; có hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hang động đẹp, còn khá nguyên sơ; có Đền Đuổm thờ phò mã Dương Tự Minh và 2 người vợ của ông; Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam nơi trưng bày, giới thiệu nhiều hiện vật là di sản văn hoá truyền thống của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam; có Khu du lịch Hồ núi cốc với câu chuyện tình lãng mạn về chàng Cốc – nàng Công…
ATK - an toàn khu kháng chiến
ATK thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống và làm việc từ 1947-1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Ðiểm di tích lịch sử ATK đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia năm 1981.
Toàn cảnh Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa.
Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Bác như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt Bác trồng, phiến đá Bác thường nằm nghỉ trưa... ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH TW đã họp thông qua kế hoạch tác chiến - tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên... về giảm tô và cải cách ruộng đất... Thủ đô ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy.
Năm 1990 tại đồi Tỉn Keo, tỉnh Thái Nguyên đã xây bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày di tích lịch sử, nhà khách... Tại trung tâm xã Phú Ðình cũng đã xây dựng nhà truyền thống, giới thiệu trưng bày nhiều hiện vật quý.
Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Lễ hội Xuống Đồng) được tổ chức hàng năm vào mùng 6 Tết, là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày.
Bên cạnh các di tích chính như đồi Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Nom... cụm di tích ATK còn nhiều địa danh đi vào lịch sử như: đèo De, núi Hồng, nhà ông Cao Nhật - một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 -1945; rừng Mấn - nơi đặt trạm liên lạc của Xứ uỷ Bắc Kỳ và là nơi mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Ðảng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Ðảng khi đó và đồng chí Hoàng Quốc Việt từng qua lại hoạt động ở đây…Tất cả những di tích lịch sử này đều đã được xếp hạng quốc gia.
Ðến với ATK, du khách có thể trở về với một vùng chiến khu xưa, để có thể hiểu biết thêm về hoạt động của những người con đất Việt đã hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ đất mẹ yêu quý.
Đền Đuổm
Được xây dưới chân dãy núi Điểm Sơn, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, cách T.P Thái Nguyên 24km về phía Tây Bắc.
Mỗi năm, hàng ngàn du khách thập phương về chảy hội đền Đuổm được tổ chức vào đầu năm mới (chính hội là ngày mùng 6 Tết)
Đền được xây dựng từ thời nhà Lý, thờ phò mã Dương Tự Minh và 2 người vợ là Diên Bình Công chúa và Thiều Dung Công chúa.
Di tích này gồm đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Các công trình trong cụm di tích đền Đuổm được xây dựng trên một vùng thiên nhiên đẹp. Đây là nơi thác của phò mã Dương Tự Minh khi về già. Ba chỏm núi ở giữa cánh đồng trông như những cánh nhạn bay. Phía trước đền là cánh đồng rộng, có sông Phú Lương chảy qua và xa xa là những dãy núi trùng điệp.
Phong cảnh núi Đuổm
Đền Đuổm vừa là di tích lịch sử, vừa thắng cảnh của Thái Nguyên.
Hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà
Hang Phượng Hoàng nằm ở trên núi Phượng Hoàng ở huyện Võ Nhai, cách T.P Thái Nguyên 45km theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn). Dưới chân núi Phượng Hoàng là hang Suối Mỏ Gà
Núi Phượng Hoàng, hang Phượng Hoàng, hang Suối Mỏ Gà là một quần thể thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên bởi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hang động đẹp.
Đường dẫn tới hang Phượng Hoàng
Từ dưới nhìn lên, núi có hình hai con chim phượng hoàng nằm ấp nhau. Sở dĩ núi mang tên Phượng Hoàng vì theo huyền thoại ngày xưa trên núi có một đôi chim phượng hoàng sống rất hạnh phúc và chúng đã sinh được hai quả trứng. Ngày ngày, chim bố đi kiếm mồi cho chim mẹ nằm ấp trứng. Một ngày kia mải theo đàn chim mái mới, chim bố đã quên nhiệm vụ và không trở về. Rồi một hôm chợt nhận ra, nó quay trở về nhưng chim vợ đã hoá đá. Quá ân hận, chim bố nằm ở ngọn núi đối diện ngóng sang để mong người vợ trở lại trạng thái bình thường, nhưng đợi mãi nó cũng hoá đá. Từ đó núi mang tên Phượng Hoàng.
Lên tới cửa hang, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát được phong cảnh ở vùng này. Hang gồm có 3 tầng: Tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng, tầng cuối gọi là hang Tối. Hang Sáng rộng và thoáng, ánh sáng ở cả 3 cửa hang chính chiếu vào những nhũ đá trong hang lung linh, huyền ảo. Đứng trước những nhũ đá muôn hình vạn trạng, du khách thoả sức tưởng tượng: Nào là hình người mẹ cõng con lên nương, nào là từng bầy người nguyên thuỷ đang săn đuổi thú, nào là hình đèn lồng ngàn tấn… Tất cả đều rất hấp dẫn đối với du khách.
Dưới chân núi có hang Suối Mỏ Gà. Cửa hang rộng chừng 10m, có khe nước chảy từ trong hang ra. Phía trước hang có nhiều thác nước nhỏ nhiều bến tắm, nhiều mô đá hình ghế ngồi, đảo đá, nước mát trong, phong cảnh hữu tình. Sau khi du khách vãn cảnh trên núi Phượng Hoàng, suối nước và bến tắm hang Mỏ Gà là nơi dừng chân nghỉ ngơi, rửa chân tay, tắm mát nhất là những ngày hè, thời tiết nóng bức.
Bảo tàng Văn hoá các Dân tộc Việt
Toàn cảnh Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam |
Bảo tàng được xây dựng vào năm 1960 trên một khuôn viên rộng, có nhiều cây cổ thụ, nằm ngay ở trung tâm T.P Thái Nguyên. Bảo tàng đã trưng bày, giới thiệu nhiều hiện vật là di sản văn hoá truyền thống của đại gia đình 54 dân tộc Việt
Bảo tàng có tổng diện tích khoảng 39.000m2 với hơn 3.000m2 sử dụng cho khu trưng bày, kho bảo quản hiện vật và các hoạt động khác. Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 đơn vị tài liệu hiện vật gốc quý hiếm thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt
Hệ thống trưng bày gồm 6 phòng, mỗi phòng sử dụng gần 2.000 đồ vật gồm các đơn vị hiện vật gốc, ảnh và tài liệu khoa học bổ trợ.
Ngoài ra, bảo tàng còn có một khu trưng bày ngoài trời hấp dẫn.
Một góc trưng bày tại Bảo tàng.
Nhiều năm qua, Bảo tàng luôn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu bản sắc văn hoá các dân tộc Việt
Khu du lịch hồ Núi Cốc
Khu du lịch hồ Núi Cốc nằm trên địa bàn huyện Đại Từ, cách trung tâm T.P Thái Nguyên 15km về hướng Tây
Nơi đây nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo tự bao năm nay và bởi cả sắc màu huyền thoại của truyền thuyết nàng Công - chàng Cốc.
Ði theo tỉnh lộ Ðán - Núi Cốc trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn qua những cánh đồi chè mát mắt, xanh non là tới khu du lịch Núi Cốc. Hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên kì thú sơn thuỷ hữu tình.
Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang dòng sông Công. Hồ được khởi công xây dựng năm 1993, hoàn thành cơ bản năm 1994. Hồ gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ. Diện tích mặt hồ khoảng 25km2. Trên mặt hồ rộng mênh mông có tới hơn 89 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, có đảo có đền Bà chúa Thượng Ngàn, lòng hồ sâu trung bình 35m, dung tích nước hồ khoảng 175 triệu m3. Hồ có khả năng khai thác từ 600 - 800 tấn cá/năm.
Hồ Núi Cốc là danh thắng và là nơi nghỉ mát đẹp. Hiện nay, hệ thống nhà nghỉ và bến tắm đã được quy hoạch và xây dựng tương đối tốt, phục vụ khách du lịch đến thăm quan nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.