Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng công nhân Mỏ sắt Trại Cau (Đồng Hỷ) đã xây dựng một hệ thống hầm địa đạo quy mô lớn để bảo vệ an toàn cho hoạt động sản xuất, người lao động và nhân dân địa phương.
Ông Hoàng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết: Hệ thống hầm địa đạo được xây dựng khoảng năm 1970, khi đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Các hầm được đào theo kiểu mái vòm đi sâu vào trong lòng núi và tỏa ra các hướng như hình xương cá, mái cao chừng 4m, nơi rộng từ 15 đến 20m2. Vì hầm đào qua khu vực đất đá rắn nên rất chắc chắn, hoàn toàn không phải kè đỡ. Riêng khu vực cửa ra vào được xây bằng gạch và kè chống thêm bằng gỗ. Có 2 hệ thống hầm địa đạo chính gồm: Hầm tại đồi Nhà Hát (trên đỉnh đồi có khu vực bằng phẳng, thường tổ chức chiếu phim), thuộc tổ 10. Đây là hầm dài nhất (trên 100m), gồm có 3 cửa ra vào từ các phía. Hầm ở tổ 11 có quy mô nhỏ hơn, gồm 2 cửa chính, chính giữa đường thông không khí lên đỉnh đồi. Ngoài ra, trong thị trấn còn một số hầm địa đạo nhỏ, chiều dài từ 20 đến 30m.
Bà Lưu Thị Dung, từng là công nhân của Mỏ sắt Trại Cau từ năm 1970 cho biết: Trong các hầm đều có điện chiếu sáng và cấp nước đầy đủ. Dọc hầm địa đạo, công nhân của Mỏ sắt Trại Cau thiết kế rãnh ở hai bên để thoát nước, đồng thời đào những khoang nhỏ đủ để kê giường nằm nghỉ. Một số bộ phận quan trọng của Mỏ như: tiện, phay, bào đã chuyển hẳn vào trong hầm để sản xuất. Thời điểm bom Mỹ đánh phá, hàng trăm công nhân và người dân địa phương được chuyển vào trong hầm trú ẩn an toàn. Bà Dung cho biết thêm: Những năm 1970-1973, Trạm Y tế và trường mầm non cũng được bố trí ngay gần cửa hầm để khi cần thiết thì kịp thời sơ tán vào phía trong.
Hệ thống hầm địa đạo của Mỏ sắt Trại Cau giờ không còn. Khu hầm thuộc tổ 11 đã bị san gạt để tạo mặt bằng cho khu dân cư sinh sống. Hầm tại đồi Nhà Hát ở tổ 10 cũng bị sập và bịt kín 2 cửa, hiện chỉ còn một cửa ở ngay phía sau nhà của gia đình bà Lưu Thị Dung (ảnh).