Nằm ở trung tâm của vùng ATK Định Hóa, xã Điềm Mặc là nơi ra đời, đặt trụ sở của nhiều cơ quan, cũng như địa điểm làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong đó có trụ sở cơ quan của Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc (giai đoạn 1949-1951), nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.
Địa điểm cơ quan Hội LHPN Việt Nam nằm trên đồi Pù Ngạm Ngà (hiện thuộc xóm Thẩm Dọc 1, xã Điềm Mặc) cách không xa nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cục Thông tin. Ông Ma Đình Bài, năm nay 81 tuổi, ở xóm Thẩm Dọc 1 hồi tưởng lại: Khu đất nơi đặt trụ sở của Hội khi ấy thuộc quyền quản lý của gia đình ông Hạc Thông Cam. Nằm kín đáo trong rừng tre nứa rậm rạp, cán bộ Hội đã dựng lên những căn nhà đơn sơ, mái lợp lá cọ, vách ken bằng nứa, còn giếng nước sử dụng chung với người dân trong xóm. Tất cả có khoảng 40 người (chủ yếu là phụ nữ) sinh hoạt và làm việc tại đây.
Điều ông Mài ấn tượng với những cán bộ Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc là sự thân thiện và hòa đồng. Ông kể: Khi ấy tôi mới hơn 10 tuổi, thường đi chăn trâu ngang qua và vào khu nhà làm việc của Hội để chơi. Mỗi lần như vậy, các cô thường đưa cho khi là cái kẹo, lúc là cái bút viết và cởi mở trò chuyện cùng. Rồi mỗi buổi chiều, cán bộ của Hội, Cục Thông tin lại ra khoảng đất rộng ở trung tâm của xóm để luyện tập thể dục thể thao. Khi ấy, mẹ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù đã khá cao tuổi nhưng vẫn thường ra chơi và nói chuyện với mọi người.
Đồi Phù Ngoạm Ngà sau đó được Bác Hồ đổi tên là đồi Hoàng Ngân (tức bà Phạm Thị Vân), người Bí thư đầu tiên của Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc, đồng thời là người sáng lập, Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ, tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam.
Đường vào địa điểm trụ sở Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc nay vẫn rợp bóng mát của cọ và tre nứa, nơi đây đã được dựng bia di tích để nhắc nhớ các thế hệ đi sau về những sự kiện lịch sử năm xưa (ảnh).