Mới đây, tôi vinh dự được tháp tùng Đoàn lãnh đạo một số báo Đảng đến lán Nà Lừa thuộc Khu di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang) và Nhà tưởng niệm Bác Hồ thuộc Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa (Thái Nguyên) để báo công với Bác về kết quả tuyên truyền phục vụ đại hội Đảng các cấp.
Tuy đã vài lần đến với Khu di tích lịch sử ATK Tân Trào, nhưng tôi thấy mọi thứ đều mới mẻ. Đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa được tôn tạo lại khang trang hơn nhưng không làm mất đi hiện trạng vốn có. Chúng tôi đi theo chiếc cầu cong nhỏ để lên lán Nà Lừa. Hướng dẫn viên Lành Thị Kiên vận bộ trang phục truyền thống của người Tày tái hiện lại dòng lịch sử. Lán Nà Lừa là nơi Bác Hồ ở từ tháng 5 đến cuối tháng 8-1945, lãnh đạo cách mạng Tháng Tám thành công. Chúng tôi cũng được nhìn tận mắt, sờ tận tay chiếc lán và khung cảnh đồi Nà Lừa, cô hướng dẫn viên còn kể một câu chuyện cảm động, nhuốm màu huyền thoại. Ấy là những ngày giữa Tháng Tám năm 1945, thời điểm cao trào cách mạng sục sôi, Bác Hồ bị ốm nặng, nhiều lúc mê sảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mời được một thầy lang đến bắt mạch, chữa bệnh cho Bác, thầy lang đến, bắt mạch xong, lên rừng hái thuốc về để Bác uống rồi đi. Thuốc của thầy lang rất hiệu nghiệm, hôm sau Bác đã dậy được, chống gậy ra họp Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, sau này mọi người tìm thầy lang nhưng không tìm ra tung tích, như thể thầy lang này là vị Tiên dáng trần đến chữa bệnh cho Bác.
Sau khi dâng hương tại lán Nà Lừa, chúng tôi ngược đường về tỉnh Thái Nguyên để dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ thuộc Khu ATK Định Hóa. Chỉ đi mất khoảng 20 phút, Nhà tưởng niệm Bác đã hiện ra trước mắt. Nhà tưởng niệm toạ trên một quả đồi cao hình mu rùa trên đỉnh đèo De, tựa vào dãy núi Hồng nhìn ra cánh đồng Tỉn Keo. Từ cổng tứ trụ chúng tôi bước qua 115 bậc để lên tới nhà tam quan. Từ nhà tam quan lên Nhà tưởng niệm là 79 bậc. Theo lời của chị Nguyễn Thị Huyền, hướng dẫn viên tại đây cho biết, việc xây dựng 79 bậc là để ghi nhớ 79 mùa xuân, tuổi thọ của Bác. Sau khi làm xong các thủ tục dâng hương, chúng tôi lặng nhìn khuôn viên của Nhà tưởng niệm. Cả khuôn viên như một đóa sen nở, những cánh sen là 79 cây vạn tuế, bao quanh Nhà tưởng niệm Bác Hồ là rừng cây xanh do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng. Từ trên cao nhìn xuống là những thửa ruộng uốn quanh chân núi, những điểm di tích nằm trong Khu di tích lịch sử - Sinh Thái ATK ẩn hiện giữa bản làng mù sương.
Lại nhớ có lần nói chuyện cùng anh Đồng Khắc Thọ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - Sinh Thái ATK Định Hóa, anh bảo: Đèo De, núi Hồng - hồn thiêng sông núi là nơi đặt Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm hội tụ “trái tim” của Khu di tích lịch sử Tân Trào và Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa. Khu di tích lịch sử - Sinh Thái ATK ngoài Nhà tưởng niệm Bác Hồ còn có 124 điểm di tích lịch sử ghi dấu một thời kháng chiến hào hùng của dân tộc.
Qua chuyến đi này chúng tôi cũng nhận thấy, tuy hai khu ATK Tân Trào và Định Hóa rất gần nhau, đường sá đi lại thuận tiện nhưng cách khai thác du lịch lại khác nhau. Việc giới thiệu quảng bá hai Khu di tích cũng không được hướng dẫn viên 2 bên nhắc đến để giới thiệu cho du khách tham quan. Thiết nghĩ, nếu hai bên gắn kết tốt trong việc quảng bá du lịch sẽ phát huy được tốt nguồn lợi từ việc khai thác du lịch giữa hai khu di tích này.