Bia di tích trong khuôn viên Nhà trưng bày ATK Định Hóa có ghi: Đồi Tỉn Keo, thuộc xã Phú Đình (Định Hóa) - là trung tâm Thủ đô cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc nhiều lần trong những năm từ 1948 đến cuối 1953. Tại đây, ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi.
Đối với du khách gần xa, khi hành hương về ATK Định Hóa thì đồi Tỉn Keo là địa điểm không thể bỏ qua. Địa danh này thuộc xóm Nà Lọm, xã Phú Đình. Cùng với Nhà trưng bày ATK Định Hóa, nơi đây có căn lán đơn sơ, cây râm bụt Bác trồng trổ hoa hằng ngày. Đứng tại căn lán này nhìn ra xung quanh sẽ thấy khung cảnh núi rừng thật hùng vĩ, như một bức tường bao vững chắc để bảo vệ chiến khu.
Trong cuốn sách “ATK in dấu lịch sử”, thạc sĩ Đồng Khắc Thọ, nguyên Trưởng Ban Quản lý các di tích lịch sử ATK Định Hóa có viết: Tỉn Keo là Phủ Chủ tịch trong lòng dân. Nơi đây đáp ứng những tiêu chí của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí giúp việc tìm địa điểm đặt cơ quan “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui/ Tiện đường sang Tổng bộ, thuận lối xuống Trung ương. Nhà thoáng ráo kín mái, gần dân không gần đường”. Đó là lý do để Trung ương xây dựng lán ở và làm việc của Bác tại nơi đây. Cùng với lán của Bác, anh em bảo vệ giúp việc có lán họp, chòi gác gần sát con suối Khuôn Tát và đường hầm hào thoát xuống chân đồi. Bếp ăn được đào đặt sâu xuống đất để đun nấu không có khói. Buổi sáng, Bác thường ra khoảng đất nhỏ dưới chân đồi để tập thể dục. Trước lán trên đồi Tỉn Keo còn bờ hoa râm bụt do Bác mang từ Khau Tý về, sau được bà con lấy giống trồng ở khắp nơi trong vùng.
Nhắc về lán Tỉn Keo, trong hồi ký của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ghi: Cuộc họp ở Tỉn Keo do Hồ Chủ tịch chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị. Dự họp có các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Các anh Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh không đến được vì đang bị mệt. Vào hạ tuần tháng 9-1953, ta có được bản kế hoạch của Nava - Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava chủ trương phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tập trung bình định ở miền Nam. Mùa thu năm 1954 sẽ tập trung quân ra miền Bắc tiêu diệt chủ lực của quân ta, hoàn thành thôn tính nước ta trong 18 tháng. Vào giữa năm 1953, tướng Nava đã tập trung ở đồng bằng một lực lượng cơ động mạnh chưa từng có, sẵn sàng chờ đón cuộc tấn công của ta. Nghe Đại tướng trình bày, đôi mắt Bác rất chăm chú. Bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh ấy không còn”. Bàn tay Bác mở rộng, mỗi ngón chỉ về một hướng. Đó chẳng đã là chỉ đạo mang tính chiến lược tạo thế làm bật ra một Điện Biên Phủ đó sao? Sau khi bàn luận, Bộ Chính trị xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, hướng chính của chiến cuộc Đông xuân 1953-1954 là Tây Bắc.
Có một điểm nhấn quan trọng tại đồi Tỉn Keo là năm 2013, Ban Quản lý các di tích lịch sử ATK Định Hóa đã thực hiện dự án nhằm trả lại nguyên trạng cho di tích. Con đường bê tông dẫn lên lán được thay thế bằng những bậc thềm bằng đất cạp bởi cây tre và dây mây rừng. Nền xi măng tại lán cũng được thay thế bằng nền đất; bồn gạch xung quanh cây dâm bụt Bác trồng (năm 1948) được thay bằng các phiến đá cuội gắn lại. Tường rào quanh di tích cũng gợi hình ảnh dân dã, thân thuộc với màu xanh của cọc tre… Ngoài ra, Dự án còn dựng lại tuyến đường đi của Bác từ suối Khuôn Tát lên lán Tỉn Keo (theo lời kể của các nhân chứng). Ông Đồng Khắc Thọ cho biết: Để việc tôn tạo đúng như nguyên trạng, Ban Quản lý đã tìm gặp các nhân chứng sống người địa phương như ông Ma Viết Tục, bà Ma Thị Tôm để nghe miêu tả lại. Đặc biệt là bức ảnh Nhà báo Wilfred Burchett (người Pháp) chụp Bác Hồ đang làm việc tại lán Tỉn Keo năm 1953.
Khánh thành năm 1997, đến nay Nhà trưng bày ATK Định Hóa tại đồi Tỉn Keo đã thu hút hàng triệu du khách thập phương tìm về. Lán Tỉn Keo vẫn đó với những hình ảnh đơn sơ, mộc mạc giúp mỗi người dân đến đây hiểu đúng và rõ hơn điều kiện sống, làm việc của Bác và Trung ương Đảng khi ở ATK Định Hóa.