Những năm gần đây, được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có Chương trình 135 nên xã miền núi Phúc Lương (Đại Từ) được đầu tư hàng chục công trình kiên cố với số vốn trên 3 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình đã đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Phúc Lương.
Về Phúc Lương hôm nay, những đổi thay không khỏi làm chúng tôi ngỡ ngàng. Cách đây khoảng 6-7 năm, hệ thống thuỷ lợi, điện, đường, trường, trạm của Phúc Lương hầu như chẳng có gì. Thêm nữa, đất đai cằn cỗi nên đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo của xã có lúc chiếm tới trên 56,2%... Từ năm 2006 đến nay, Phúc Lương được Nhà nước đầu tư các công trình trường học, giao thông, thuỷ lợi thông qua nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần làm cho đời sống của người dân có điều kiện phát triển.
Công trình đường giao thông liên xóm Na Khâm - Phúc Sơn - Hàm Rồng có chiều dài 1,7 km được nhân dân đưa vào sử dụng trong năm 2010 là một ví dụ tiêu biểu. Ông Đào Văn Hành, Trưởng xóm Na Khâm tâm sự: Nếu không có Chương trình 135, mà cứ trông vào nội lực thì một xã nghèo như Phúc Lương chẳng biết đến bao giờ mới tự đầu tư được con đường liên xóm! Để hoàn thành con đường với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng này, người dân 2 xóm Na Khâm và Phúc Sơn chúng tôi đã hiến trên 1.800m2 đất để chủ đầu tư nhanh chóng khởi công con đường. Khi con đường được đơn vị thi công bàn giao, nhiều cụ già trong xóm tôi đã không cầm nổi nước mắt, chỉ biết nói lời “cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm”... Cùng với công trình này, xã Phúc Lương còn được đầu tư đường Nhất Tâm - Cỏ Rôm - Cây Hồng; cống tràn Cầu Tuất; cống Na Châu; nhà lớp học mầm non; nhà thư viện trường tiểu học; nhà hiệu bộ trường THCS...
Cũng trong giai đoạn II này, nguồn vốn từ Chương trình 135 không chỉ tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn hỗ trợ toàn diện hơn. Chương trình dành phần lớn nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ xã, thôn và cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.
Gia đình anh Đào Văn Thanh, xóm Cỏ Rôm nhiều năm liền là hộ nghèo. Vợ anh bệnh nặng, thường xuyên phải đi viện, anh một mình chăm sóc vợ và lo cho 2 đứa con ăn học. Anh Thanh cho biết: Nhiều lúc muốn vươn lên phát triển kinh tế nhưng đồng vốn chẳng có nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Từ năm 2008, anh vay tiền của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện và thêm hỗ trợ từ Chương trình 135, anh đầu tư tiền vào chăn nuôi, trồng và chăm sóc chè, thả cá... Nhờ đầu tư đúng hướng, đến năm 2010, gia đình anh đã thoát nghèo và xây được một căn nhà cấp 4 chắc chắc.
Cùng với gia đình anh Thanh, 5 năm qua, số vốn trên 1 tỷ đồng của Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất được xã Phúc Lương triển khai hỗ trợ các hộ nghèo mua máy móc chế biến chè, máy bơm nước, máy cắt lúa, máy phun thuốc trừ sâu bằng ắc quy, lợn nái, bò sinh sản... phục vụ sản xuất. Đến hết năm 2010, xã đã tổ chức được gần chục lớp tập huấn cho đa phần là cán bộ xã, xóm với các nội dung về Chương trình 135, để từ đó phổ biến cho người dân hiểu và có thêm kiến thức về khoa học kỹ thuật phục vụ có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế hộ, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Ngoài ra, Phúc Lương còn thực hiện chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh nghèo được xã thực hiện nghiêm túc và đúng đối tượng. Đối với học sinh đang theo học tại các trường trên địa bàn xã, sau khi có quyết định của UBND huyện cấp hỗ trợ thì các trường trực tiếp chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Còn đối với học sinh đang theo học tại các trường phổ thông ngoài xã thì xã trực tiếp chi trả cho đối tượng thụ hưởng. Tổng số tiền hỗ trợ học sinh nghèo của xã từ năm 2008 đến 2010 được gầnn 690 triệu đồng. Các chính sách hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể thao; hoạt động trợ giúp pháp lý; duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư được Phúc Lương thực hiện tốt...
Nhờ đó, kinh tế - xã hội của xã được đổi mới và có bước phát triển khá vững chắc. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 4 triệu đồng/người/năm.
Đồng chí Tống Văn Thiện, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Lương cho biết: Với sự đầu tư hiệu quả từ Chương trình 135, xã miền núi Phúc Lương đã có bước chuyển mình quan trọng. Đó là tiền đề cơ bản, là lực đẩy để xã bứt phá, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bằng với miền núi...