Cam giá phát triển sản xuất CN-TTCN

07:49, 10/12/2010

Có tiềm năng về đất đai, nguồn nhân lực dồi dào, chính những tiềm năng ấy đã tạo cho phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) có điều kiện phát triểnsản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), thương mại- dịch vụ. Nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ phường đã có Nghị quyết về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “CN-TTCN, thương mại- dịch vụ, nông nghiệp hàng hóa”...  

Chúng tôi có mặt tại Cơ sở đúc gang Xuân Tứ, tổ 17 (phường Cam Giá) trong những ngày cuối năm. Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là không khí lao động hăng say của công nhân nơi đây. Ông Trần Xuân Tứ, chủ cơ sở thông tin với chúng tôi: Những năm trước đây, gia đình tôi làm nghề thu mua gang phế liệu, nhưng không có lãi. Do đó, năm 1995 gia đình chuyển sang nghề cô đúc gang. Ban đầu làm, quy mô 1 lò cô đúc với công suất 1,2 đến 1,4 tấn gang thành phẩm mỗi ngày. Sản phẩm là cô đúc gang đối trọng và nắp cống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước và một phần xuất sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Do nhu cầu của thị trường, từ năm 2006 đến nay, cơ sở chuyển sang làm khuôn đúc thép với công suất 4,5 đến 5 tấn/1 lò/ngày/. Thành phẩm được làm theo đơn đặt hàng của khách hàng, trung bình, mỗi một năm sản xuất được trên 500 tấn khuôn đúc thép. Doanh thu đạt khoảng 4 tỷ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/tháng…
 
Trao đổi với ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá chúng tôi được biết: Cơ sở đúc gang Xuân Tứ là một trong nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của phường Cam Giá đang hoạt động tốt, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong những năm qua, địa phương luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích phát triển CN-TTCN. Trong kế hoạch hàng năm của UBND phường đã đề ra nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất CN-TTCN phát triển theo hướng bền vững. Cụ thể là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương như giải phóng mặt bằng, dành quỹ đất cho các hộ sản xuất CN-TTCN, doanh nghiệp thuê để sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là ưu tiên phát triển các ngành nghề sản xuất thép, đúc gang, cơ khí, chế biến nông lâm sản; khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn để doanh nghiệp và các hộ sản suất, kinh doanh có điều kiện vay vốn ngân hàng… Nhờ những nỗ lực đó, hoạt động CN-TTCN trên địa bàn phường đã phát triển theo hướng tập trung, quy mô phù hợp với phát triển kinh tế, xã hội của phường. Năm 2005, trên đại bàn phường mới có 84 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đến năm 2010 đã có 135 cơ sở sản xuất, kinh doanh CN-TTCN, trong đó có 4 công ty cổ phần, 1 doanh nghiệp cán thép, 5 hộ đúc gang, 125 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Giá trị sản xuất CN-TTCN bình quân hàng năm có mức phát triển khá, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2005, giá trị sản xuất CN-TTCN toàn phường đạt 46 tỷ đồng, đến năm 2009 đạt 470 tỷ đồng. Năm 2010, ước đạt 480 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động.
 
Đi đôi với đó, hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian qua, thực hiện cơ chế khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ với nghiều ngành nghề phong phú. Mặc dù có nhiều biến động suy thoái về kinh tế, song hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phường vẫn giữ được ổn định và có bước tăng trưởng. Phường Cam Giá đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từng bước đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao giá trị thu nhập của ngành thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Năm 2005, toàn phường có trên 180 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng. Đến năm 2009 tăng lên 193 cơ sở, trong đó có 54 doanh nghiệp và 139 hộ kinh doanh cá thể, doanh thu đạt 450 tỷ đồng, tăng 10,7 lần so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Năm 2010, ước đạt 750 tỷ đồng. Một số loại hình kinh doanh, dịch vụ có sự phát triển nhanh là kinh doanh ô tô, vật liệu xây dựng, sắt thép, vận tải và dịch vụ tổng hợp. Điển hình như: Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Thái Hà; Công ty cổ phần ô tô Phương Khang; Công ty TNHH Thái Nguyên Trường Hải; Công ty TNHH Kim khí Tiến Thịnh; Doanh nghiệp Hoa Thiết; Cơ sở sản xuất gang Nhượng Lợi… Các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh này có doanh thu từ 10 tỷ đồng đến trên 1 nghìn tỷ đồng/năm, sử dụng trên 1.000 lao động, chủ yếu là lao động địa phương.
 
Với chiến lược phát triển đúng hướng của các ngành CN-TTCN, thương mại- dịch vụ đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của phường Cam Giá. Bức tranh kinh tế của phường đã có bước chuyển rõ nét, từ đó góp phần quan trọng vào kết quả tăng thu ngân sách của phường. Bình quân thu ngân sách hàng năm vượt 12,7% so với kế hoạch thành phố giao. Nâng thu nhập bình quân đầu người của phường từ 8 triệu đồng/người/năm (2005) lên 13 triệu đồng/người/năm (2009). Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,7% năm 2005 xuống còn 5,8% năm 2009.
 
Từ kết quả trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2010-2015 tiếp tục đề ra mục tiêu: Phấn đấu phát triển mạnh sản xuất CN-TTCN, thương mại- dịch vụ, các chỉ tiêu chủ yếu là giá trị sản xuất CN - TTCN bình quân tăng 13%/năm trở lên; giá trị thương mại- dịch vụ tăng bình quân 15%/năm. Vấn đề đặt ra là quá trình phát triển này phải đảm bảo yếu tố bền vững và gắn với bảo vệ môi trường.