Ghi tại phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở Phú Bình

18:59, 01/12/2010

102/135 lô đất đã được bán với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng, cao hơn mức giá sàn 3 tỷ đồng (tương ứng với 17%) là kết quả mà Phiên đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại Phú Bình tổ chức ngày 28/11 vừa qua đạt được. Ở một huyện vẫn được biết đến là thuần nông như Phú Bình thì đây được xem như một thành công ngoài dự kiến. Vậy, yếu tố nào dẫn tới sự thành công đó?

 

Có mặt tại Phiên đấu giá, chúng tôi nhận thấy, ngoài người dân huyện Phú Bình còn có sự tham gia khá đông đảo của người dân T.P Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Nhiều người đã chấp nhận trả thầu với giá rất cao để trúng thầu lô đất mà họ cho là đẹp, mặc dù đó không phải là lô có mức giá sàn cao nhất.

 

Không khí buổi đấu thầu đã được hâm nóng ngay từ lúc bắt đầu, khi mà Ban Tổ chức thông báo lô đất số 2, 3, 4 có tới 17-27 người tham gia/lô. Với quy định trả giá 2 vòng bằng phương pháp bỏ phiếu kín (trước đó, khi người tham gia đấu thầu nộp tiền đặt cọc đã thực hiện đấu giá vòng 1) thì tại phiên đấu giá chính thức, người tham gia chỉ còn 1 lần được trả giá. Giá sàn vòng 2 được đưa ra là giá được trả cao nhất ở vòng 1. Mỗi bước giá được quy định tại phiên đấu này là 50 nghìn đồng. 3 lô đất trên đã được trả với mức giá từ 3,7-4,05 triệu đồng/m2, cao hơn từ 20-26 bước giá. Tuy nhiên, chỉ có những lô có vị trí “đẹp” thì mới có mức giá cao đến vậy. Tính chung cả đợt, số tiền bán được cao hơn mức giá sàn là 16,7% (cao hơn mức trung bình chung của các đợt đấu giá khác là gần 7%).

 

Chị Nguyễn Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (TTDVBĐGTS) tỉnh – đơn vị trực tiếp điều hành phiên đấu giá cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia đấu giá và thực hiện đúng quy định của Luật, Trung tâm đã giữ bí mật về số lượng hồ sơ tham gia đấu giá. Bởi thế, một số lô đất mới có đến trên dưới 20 người tham gia (cao nhất là lô số 2 với 27 người tham gia). Ngược lại, cũng có 6 lô chỉ có 1 hồ sơ đăng ký tham gia nên đã không thực hiện được việc đấu giá lần này (tính chung cả đợt, đã có gần 400 lượt người tham gia phiên đấu giá).

 

Có 2 khu đất được đem bán đấu giá là: Khu dân cư trong điểm công nghiệp Kha Sơn và khu dân cư gắn liền với Khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình. Do nằm sát với Nhà máy May TNG Phú Bình, được cho là dễ dàng trong kinh doanh nên toàn bộ 75 lô đất thuộc Khu dân cư trong điểm công nghiệp Kha Sơn đã được bán ngay từ phiên đấu giá lần I. Còn ở Khu dân cư gắn liền với khu tái định cư Nhà máy May TNG Phú Bình, cũng đã có 27 lô được bán.

 

Theo đồng chi Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp thì có nhiều yếu tố để phiên đấu giá này tạo được sự quan tâm, chú ý của khách hàng ngay từ khi bán hồ sơ. Trước hết phải kể đến là hạ tầng giao thông của Phú Bình (đặc biệt là Quốc lộ 37 – tuyến đường huyết mạch của huyện) đã được hoàn thiện, tạo thuận lợi rất lớn cho việc giao thương của người dân; khu vực bán đấu giá đang được xây dựng cơ sở hạ tầng; hơn nữa, diện tích đất bán lại nằm sát với Dự án Nhà máy May TNG Phú Bình rộng hơn 8ha sắp đi vào hoạt động, dự kiến thu hút 4 nghìn lao động, sẽ là khu vực phát triển mạnh các loại hình dịch vụ. Cùng với đó là một số dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện như: Tổ hợp khu công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ Yên Bình; Khu công nghiệp Điềm Thuỵ rộng 350ha; Dự án đường nối Quốc lộ 37 với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có mặt cắt 120m, dài gần 10km… Tất cả những yếu tố này được dự báo mang đến cho người dân trên địa bàn huyện nói chung, cho khu vực đấu giá nói riêng sự phát triển về nhiều mặt.

 

Trước đây, việc tổ chức bán đấu giá QSDĐ là do UBND cấp huyện thực hiện (theo Nghị định 05 ngày 18/1/2005 quy định về việc bán đấu giá và Quyết định 216 ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá QSDĐ). Nhưng từ khi có Nghị định số 17 ngày 3/4/2010 thì việc đấu giá QSDĐ được giao cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp. Đối với Thái Nguyên, hiện chỉ có TTDVBĐGTS tỉnh được quyền thực hiện việc bán đấu giá. Ngày 13/7/2010, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc triển khai thực hiện Nghị định 17. Theo Chỉ thị này, việc bán đấu giá tài sản phải đạt được 3 mục tiêu, đó là: công khai, minh bạch, đúng pháp luật; hiệu quả và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người có tài sản, người tham gia và trúng thầu đấu giá.

 

Cũng theo đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, qua thực tế thực hiện Nghị định 17 tại một số phiên đấu giá QSDĐ ở T.P Thái Nguyên, huyện Phú Lương, Phổ Yên, Đồng Hỷ, T.X Sông Công và huyện Phú Bình thì một số hạn chế của Nghị định 05 và Quyết định 216 của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản được khắc phục. Những thông tin có liên quan đến việc đấu giá QSDĐ đã được quy về một đầu mối; người dân dễ dàng có thông tin khi trực tiếp đến Trung tâm để tìm hiểu, đồng thời cũng có thể nắm được qua nhiều kênh mà TTDVBĐGTS tỉnh đưa ra, như: Trên báo, mạng internet, ở các khu vực tập trung đông người…

 

Căn cứ vào tình hình cụ thể đối với từng vị trí đất, số lượng người mua hồ sơ và nhu cầu thực của thị trường mà TTDVBĐGTS tỉnh đưa ra hình thức đấu giá (có thể là 1 vòng, 2 vòng, 3 vòng với việc bỏ phiếu kín hoặc trả bằng miệng trực tiếp) và mức đặt cọc từ 10-15% giá trị của lô đất (thay vì 5% như trước kia). Đây được xem là những giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng người không có nhu cầu thực vẫn tham gia với mục đích kiếm lời thông qua sự “thỏa thuận” với người mua thật. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ giảm chứ chưa hoàn toàn được chấm dứt. Điều này cũng đã được chúng tôi chứng kiến khi tham gia phiên đấu giá QSDĐ tại Phú Bình. Một số lô đất đã có sự giàn xếp, thỏa thuận. Mặc dù việc thỏa thuận là vi phạm Luật Đấu thầu nhưng do được diễn ra “ngầm” nên việc ngăn chặn hoàn toàn là điều khó thực hiện.

 

Dù vẫn còn một số hạn chế nhỏ nhưng có thể nói, phiên đấu giá QSDĐ tại Phú Bình đã đạt được kết quả tốt đẹp. Qua đó cũng đã bước đầu khuấy động được thị trường bất động sản trên vùng đất mà ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn.