Làm đường giao thông - cách làm ở Phục Linh

17:04, 13/12/2010

Thông thường, khi huy động đóng góp vốn đối ứng để làm đường giao thông, các địa phương đều làm theo cách: Đường thuộc xóm nào thì nhân dân xóm đó đóng góp. Nhưng ở xã Phục Linh (Đại Từ) lại khác, mỗi tuyến đường đều có sự góp sức của toàn thể bà con trong xã. Điều này đã thể hiện sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết nhất trí cao trong việc xây dựng quê hương của mỗi hộ dân nơi đây.

 

Những ngày cuối năm, bà con xã Phục Linh đang tập trung hoàn thành nốt tuyến đường xóm Cẩm 1. Vừa đến đầu xã, chúng tôi đã bắt gặp không khí làm việc sôi nổi trong tiếng máy trộn bê tông nổ giòn. Đồng chí Vũ Công Viên, Trưởng xóm đang giám sát việc thi công tuyến đường cho biết: Xóm có 440m đường trục chính, năm nay, được Mỏ than Phấn Mễ hỗ trợ kinh phí, xóm đã thực hiện đổ bê tông toàn tuyến. Nhưng bà con xóm Cẩm 1 vẫn đóng góp để làm các tuyến đường khác trong xã. Xóm có 82 hộ, với 276 nhân khẩu, khi xã triển khai làm tuyến đường nào, bà con đều đóng góp. Ông Ngô Văn Thiện, xóm Cẩm 1 cho biết: Nhà tôi nằm bám mặt đường xóm, tôi biết con đường này đã được Mỏ than Phấn Mễ hỗ trợ tiền làm, nhưng từ năm ngoái đến nay, đã 2 lần xã triển khai làm đường xóm Khuôn 1 và Khuôn 2, tôi vẫn đóng góp đầy đủ, lần thì hơn 50 nghìn, lần thì hơn 20 nghìn để hỗ trợ các xóm khác làm theo đúng chủ trương của xã.

 

Đồng chí Trần Như Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Phục Linh là xã nghèo của huyện Đại Từ. Xã có 1.640 hộ, với 6.500 nhân khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu trông cả vào 286ha đất cấy lúa 2 vụ và khoảng 100ha chè, số hộ nghèo còn ở mức cao (gần 300 hộ). Chính vì vậy, trong khi các địa phương khác đã thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn từ vài năm trước thì phải đến năm 2008, xã mới bắt đầu triển khai. Toàn xã có 13km đường liên xã, khoảng 10km đường liên xóm. Do mật độ dân cư ở thưa nên nếu thực hiện theo cách đường xóm nào xóm đó làm thì bà con sẽ phải bỏ một khoản tiền lớn mới có thể làm được, trong khi điều kiện các hộ còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, xã đã tổ chức họp bàn và thống nhất triển khai theo cách thức: Nhân dân toàn xã dồn sức tập trung làm từng tuyến, như vậy các hộ sẽ không phải đóng một khoản tiền lớn một lúc mà chia ra làm nhiều lần. Cách làm này đã được thống nhất trong Ban Thường vụ và các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đường giao thông nông thôn xã. Tuy nhiên, khi triển khai đến các xóm ban đầu cũng gặp nhiều trở ngại. Nhiều xóm đã không nhất trí bởi phải bỏ tiền đóng góp cho người dân xóm khác đi trước còn xóm mình thì không biết đến bao giờ mới có đường đi. Nhất là đối với những hộ nằm cách xa trục đường chính. Từng thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đường giao thông nông thôn xã đã phải về từng xóm để giải thích về cách làm cũng như những ưu điểm khi thực hiện cách làm này. Dần dần, các hộ cũng đã hiểu ra và đồng tình ủng hộ.

 

Tuyến đường đầu tiên được ra đời bằng cách làm đó là ở xóm Khuôn 1, với tổng chiều dài hơn 2km. Với cơ chế 70-30 (Nhà nước hỗ trợ trên 500 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp trên 300 triệu đồng), các hộ bám mặt đường đóng góp 120 nghìn đồng/nhân khẩu, còn các hộ không bám mặt đường và ở các xóm khác đóng từ 50-52 nghìn đồng/nhân khẩu.

 

Cũng với cách làm như vậy, năm 2010, xã làm tiếp được gần 1km đường xóm Khuôn 2 với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 260 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp (các hộ bám mặt đường đóng 120 nghìn đồng/nhân khẩu, các xóm khác đóng 25 nghìn đồng/nhân khẩu). Tính đến nay, xã đã bê tông hóa được trên 3km đường bê tông liên xã. Kế hoạch trong năm 2011, xã sẽ bê tông hóa thêm 3km và phấn đấu đến năm 2015, 100% các tuyến đường trên địa bàn xã sẽ được đổ bê tông.