Vấn đề sinh con thứ 3 ở Phú Bình – những điều cần bàn

10:27, 15/12/2010

Nhiều năm trở lại đây, Phú Bình luôn là địa phương “dẫn đầu” của tỉnh về số trường hợp sinh con thứ 3. Điều đáng nói là tình trạng này có xu hướng tăng dần qua các năm qua. Và năm nay, dự báo số người sinh con thứ 3 của huyện tiếp tục trên 200 trường hợp… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì và giải pháp nào để kiềm chế việc sinh đẻ vỡ kế hoạch?

 

Những năm gần đây, nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Song đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều gia đình trở lại với tâm lý thích đông con nhiều cháu. Bên cạnh đó, tư tưởng “trọng nam”, muốn có nếp, có tẻ vẫn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của nhiều người, nhiều gia đình, đặc biệt là ở đấng mày râu và các ông bố, bà mẹ nhiều tuổi. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Phú Bình, khoảng 5 năm trở lại đây, số người sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện ngày càng gia tăng. Năm 2006 là 179 trường hợp, năm 2007 là 219 trường hợp; 2008 là 225 trường hợp; 2009 là 241 trường hợp và dự kiến năm 2010 là hơn 200 trường hợp.

 

Đi kèm với sự gia tăng về số trường hợp sinh con thứ 3 là tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng biểu hiện rõ rệt. Năm 2006, tỷ lệ trẻ nữ chiếm 46,2% trong tổng số trẻ em được sinh ra (tương ứng là 1.005 trẻ nữ/2.173 trẻ em được sinh ra) thì đến năm 2009, tỷ lệ này giảm còn 45,1% (1.176 trẻ nữ/2.607 trẻ em được sinh ra). Điều đáng nói nữa là, nếu như khoảng chục năm về trước, những trường hợp sinh con thứ 3 thường rơi vào những người có tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, hạn chế về trình độ văn hóa, nhận thức, thì nay, phần lớn các trường hợp này lại là những người có kinh tế khá giả, không ít người còn là đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của một cơ quan, đơn vị, thậm chí là cả cộng tác viên dân số và cán bộ trạm y tế xã…

 

Dù đã xảy ra từ năm 2003, nhưng mỗi lần nhắc đến nguyên nhân của tình trạng bùng phát sinh con thứ 3 trên địa bàn xã Hà Châu nói riêng, huyện Phú Bình nói chung, những người làm công tác dân số không thể không nhắc đến trường hợp của anh T¹ Quang Th¨ng, khi đó đang làm trạm trưởng trạm y tế xã. Do sinh con một bề toàn nữ nên vợ anh Thăng đã sinh con thứ 3. Điều này đã tạo ra một “tiền lệ” vô cùng bất lợi cho địa phương, đặc biệt là cho những người làm công tác dân số trong việc tuyên truyền đến người dân chấp hành tốt chính sách DS-KHHGĐ. Kể từ năm 2003 cho đến nay, năm nào, xã Hà Châu cũng có trường hợp sinh con thứ 3; thậm chí, năm 2009, Hà Châu có đến 4 trường hợp sinh con thứ 3 là vợ của của đảng viên. Năm 2009, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học còn có vợ sinh con thứ 4; năm 2010 là trường hợp sinh con thứ 3 của một cộng tác viên y tế thôn bản.

 

Không chỉ có Hà Châu, từ năm 2009 đến nay, xã Lương Phú cũng trở nên “nổi tiếng” khi vợ của anh Đinh Văn Chiến, Phó Chủ tịch HĐND xã sinh con thứ 3. Trong khi trước đó, theo anh Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thì Lương Phú vốn thực hiện khá tốt công tác này. Mặc dù anh Chiến đã nghỉ việc sau khi biết vợ mình mang thai nhưng theo chị Nguyễn Thị Thuý, cán bộ chuyên trách Ban DS-KHHGĐ của xã thì sự việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của người dân. Không ít người đã lấy vợ anh Chiến để làm “gương” hoặc có những lời lẽ thiếu tế nhị vặn vẹo cán bộ dân số khi “bị” vận động không sinh con thứ 3. Trước đó, năm 2007, ở Lương Phú cũng đã có 2 trường hợp khác cũng khiến dư luận bàn tán xôn xao. Đó là trường hợp sinh con thứ 3 công tác viên y tế thôn bản và Chi hội trưởng Chi hội nông dân đều ở xóm Chiềng. Được biết, từ năm 2007-2010, năm nào ở Lương Phú cũng có từ 5-9 trường hợp sinh con thứ 3, có cả trường hợp sinh con thứ 4.

 

Thực tế này không thể không nhắc đến trách nhiệm của những người làm công tác dân số cũng như của chính quyền, ngành, đoàn thể các cấp. Tuy nhiên, nói như vậy không đồng nghĩa với việc những người có trách nhiệm trong công tác này từ xã đến xóm đều thiếu trách nhiệm, vì bên cạnh chỉ tiêu không hoàn thành về số trường hợp sinh con thứ 3 thì tất cả các chỉ tiêu khác trong công tác DS-KHHGĐ đều được các xã trên địa bàn huyện thực hiện khá tốt. Đơn cử như ở xã Lương Phú, cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua, 12/12 xóm trên địa bàn xã đều đã thành lập 1 đoàn với đầy đủ thành phần chính quyền, ngành, đoàn thể đến 25 gia đình có tư tưởng sinh con thứ 3 để tuyên truyền, vận động. Mặc dù chưa thể khẳng định được hiệu quả của việc tuyên truyền đó đến đâu, nhưng bước đầu các gia đình này đều vui vẻ “hứa” sẽ không sinh con thứ 3.

Ngoài Hà Châu, Lương Phú, một số xã khác trên địa bàn huyện Phú Bình như Nga My, Tân Khánh, Tân Kim… những năm qua cũng có hàng chục trường hợp sinh con thứ 3/năm; các xã còn lại, xã nào cũng có nhưng ở mức độ ít hơn. Chính vì có trường hợp sinh con thứ 3 nên trong những năm qua, hàng trăm thôn, xóm đã không đạt làng văn hóa hoặc khu dân cư tiên tiến (trong khi các chỉ tiêu khác đều hoàn thành tốt). Nhiều xóm như xóm Chiềng (Lương Phú), xóm Hoà Bình( thị trấn Hương Sơn)…. đã có gần chục năm đạt làng văn hóa các cấp nhưng sau đó đã bị mất và phải phấn đấu lại từ đầu cũng chỉ vì có trường hợp sinh con thứ 3.

 

Thực tế tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, một trong những nguyên nhân khiến số trường hợp sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện Phú Bình tăng cao trong những năm qua là do cấp uỷ, chính quyền một số xã chưa thực sự vào cuộc… Bởi thế, để công tác này đạt hiệu quả, nhất thiết phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội; có sự kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện tiêu chí này hàng năm từ xóm, xã đến huyện; thay vì tính bằng điểm, tiêu chí không sinh con thứ 3 cần thiết phải được xem là tiêu chí cứng, nếu vi phạm thì không được xét bất cứ danh hiệu thi đua nào; củng cố tổ chức bộ máy cán bộ chuyên trách làm công tác dân số từ huyện đến xã để đủ sức tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương (Theo Thông tư 05 ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế thì cán bộ chuyên trách dân số là viên chức của Trạm Y tế. Nhưng, cho đến giờ, tỉnh ta vẫn chưa triển khai, thực hiện. Những người đang đảm nhận vị trí này hiện chỉ được hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng, trong khi chức năng, nhiệm vụ lại khá nặng nề). Bên cạnh đó là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; cung cấp đầy đủ các dịch vụ tránh thai hiện đại đến người dân; xử lý nghiêm những trường hợp sinh con thứ 3, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước; làm tốt công tác thi đua khen thưởng; cụ thể hóa việc xử lý các trường hợp sinh con thứ 3 vào quy ước, hương ước của xóm, làng; tăng cường công tác an sinh xã hội, để người dân không phải nặng nề với tâm lý nhất thiết phải có con trai thì mới có chỗ nương tựa lúc về già.