Phú Bình phát triển ngành nông nghiệp bền vững

12:22, 11/01/2011

Xây dựng thương hiệu cho một số cây, con có thế mạnh; triển khai nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt có giá trị kinh tế cao; trợ giá cho những giống lúa lai có năng suất, chất lượng tốt; tạo điều kiện về vốn cho người dân phát triển theo mô hình kinh tế trang trại; chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ sản xuất nông nghiệp… là những biện pháp mà huyện Phú Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện để đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nhanh và bền vững, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…

 

 

Kỳ họp Ban Thường vụ tháng 11/2010 của huyện Phú Bình đã quyết định dành 1 tỷ đồng ngân sách để đầu tư cho ngành nông nghiệp trong năm 2011, trong đó có 600 triệu đồng trợ giá cho nông dân khi gieo trồng các giống lúa lai; 200 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nấm, hoa; 200 triệu đồng cho việc xây dựng thương hiệu gà thả đồi và lúa nếp Thầu Dầu. Quyết định này thể hiện ý chí quyết tâm lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành Nông nghiệp, nó cũng phản ánh sát nhu cầu thực tiễn của địa phương, đồng thời là cụ thể hóa một bước việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo đó, mục tiêu mà huyện phấn đấu đạt được trong năm 2011 và những năm tiếp theo là tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 6%/năm trở lên và nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp từ 54 triệu đồng (năm 2010) lên 65 triệu đồng vào năm 2015.

 

Là huyện thuần nông, Phú Bình có khoảng 80% số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp. Vì thế, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho nông nghiệp. Nhờ đó, những năm qua, nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt. Đến nay, giá trị kinh tế ngành chăn nuôi đã xấp xỉ bằng giá trị ngành trồng trọt và chiếm trên 48% giá trị ngành nông nghiệp. Ngay trong ngành trồng trọt cũng có sự chuyển dịch về giống, cơ cấu mùa vụ và loại cây trồng theo hướng loại bỏ dần những giống cũ, đã thoái hóa, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào trồng.

 

Đồng chí Hoàng Thanh Giao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Phát triển nông nghiệp theo hướng nhanh, bền vững là mục tiêu đã được Đảng bộ huyện xác định tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2010-2015. Trước thực tế, diện tích đất nông nghiệp có xu hướng giảm dần để dành đất phát triển công nghiệp – dịch vụ thì vấn đề duy trì tổng sản lượng lương thực từ 70-72 nghìn tấn/năm như hiện nay rất cần có những giải pháp đồng bộ. Theo đó, huyện đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng diện tích lúa xuân muộn và mùa sớm để đảm bảo diện tích trồng cây vụ đông; trợ giá 20 nghìn đồng/kg cho một số giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất của địa phương để khuyến khích người dân thay thế dần những giống cũ như Khang dân 18, U17 năng suất thấp, đã bị nhiễm rầy nặng trong 1-2 vụ gần đây (huyện phấn đấu tăng tỷ lệ lúa lai trong năm 2011 lên 14,5-15,5% tổng diện tích lúa gieo cấy, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2010); xây dựng và mở rộng các mô hình trồng hoa chất lượng cao để cung cấp cho thị trường T.P Thái Nguyên và các địa phương lân cận; khuyến khích và tạo điều kiện để người nông dân phát triển, mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định như: dưa chuột, ớt xuất khẩu; xây dựng thương hiệu một số cây, con có giá trị kinh tế cao để người nông dân có cơ hội tìm được đầu ra ổn định, từ đó có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, huyện đang lập quy hoạch dự án đối với cây lúa nếp Thầu Dầu và gà thả đồi; cùng với đó là triển khai các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai mô hình trồng nấm ở một số xã.

 

Lúa nếp Thầu Dầu đang được huyện Phú Bình triển khai các bước để xây dựng thương hiệu.

 

Đối với ngành chăn nuôi, chủ trương mà Phú Bình đưa ra là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích, tạo điều kiện đưa những loại vật nuôi mới, ổn định đầu ra và có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi. Theo đồng chí Dương Tuấn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Phú Bình hiện có 310 hộ được cấp giấy chứng nhận trang trại (chủ yếu là trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng 85 trang trại so với năm 2009). Ngoài ra, còn có trên 2.000 hộ chăn nuôi theo hình thức gia trại (với quy mô 2.000 con gà hoặc 50 con lợn/lứa). Các trang trại đều có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm (theo quy định chỉ là 40 triệu đồng/năm). Được cấp giấy chứng nhận, các chủ trang trại có điều kiện để vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện với lãi suất ưu đãi, mức vay trung bình từ 30-200 triệu đồng. Từ năm 2007 đến nay, huyện cũng đã dành phần lớn nguồn vốn 120 cho các chủ trang trại vay; các chương trình, dự án như xây hầm khí bioga; chuyển giao khoa học kỹ thuật; phòng, chống dịch bệnh… đều dành cơ chế ưu tiên cho những hộ chăn nuôi lớn. Nhờ đó, 3 năm trở lại đây, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện duy trì ổn định ở mức 1,4 triệu con gia cầm, trên 120 nghìn con lợn; mỗi năm xuất chuồng 15 nghìn tấn thịt hơi (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2005).

 

Theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2010-2015 tầm nhìn đến năm 2020, bên cạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch thì nông nghiệp vẫn tiếp tục được huyện quan tâm, đầu tư nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn để qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần ổn định xã hội. Theo đó, đối với các xã vùng núi gồm: Bàn Đạt, Đồng Liên, Tân Khánh, Tân Kim, Đào Xá, Bảo Lý, Tân Hòa, Tân Thành và Tân Đức sẽ tập trung phát triển mạnh đàn trâu, bò kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm; đối với vùng nước sông Máng, gồm: Xuân Phương, Kha Sơn, Lương Phú, Thanh Ninh và Dương Thành tập trung phát triển trồng trọt, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng hoa; các xã bên kia sông Cầu, gồm: Thượng Đình, Điềm Thụy, Úc Kỳ, Nga My, Hà Châu, Nhã Lộng cùng với việc được quy hoạch phát triển về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp sẽ được tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch (gồm rau sạch và hoa) để phục vụ cho nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp. Việc phân vùng này sẽ giúp người dân các địa phương phát huy được lợi thế tự nhiên vốn có. Đồng thời, trên cơ sở này, huyện sẽ tạo mối quan hệ liên kết sản xuất giữa các vùng cũng như trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Đây cũng chính là một trong số các giải pháp chiến lược nhằm đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng nhanh và bền vững.