Trường ở bản Cao Biền

18:53, 06/01/2011

Bản Cao Biền là một trong những bản khó khăn nhất xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, với gần 100% số dân là người dân tộc Dao. Điểm trường tiểu học của bản chỉ có 3 lớp với 3 thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy. Thế nhưng, nhiều năm qua, bản không có học sinh bỏ học, tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường.

 

Trường học trên núi

 

Theo chỉ dẫn của cô giáo Chu Thị Miên, tôi bắt đầu chuyến đi Cao Biền bằng việc kiểm tra an toàn cho xe máy tại một hiệu sửa xe ven Quốc lộ 1B thuộc xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn). Những ai muốn đến Cao Biền bằng xe máy thì đều phải đi vòng qua đường này. Chặng đường với hàng chục con dốc cao hun hút dài gần 10km rất khó đi và sẽ rất nguy hiểm khi đi trên một chiếc xe kém an toàn. Đây cũng là con đường mà các cô giáo ở Điểm trường Cao Biền của Trường Tiểu học Phú Thượng phải đi qua để đến với các em học sinh.

 

Phải mất gần 2 giờ đi xe máy trong tình trạng khi thì tăng ga hết cỡ, lúc lại ghì chặt cả hai phanh, tôi mới tới được Cao Biền. Điểm trường nằm tại trung tâm bản. Tiếng là trung tâm nhưng khu vực này chỉ có vài ba nóc nhà. Toàn bộ diện tích bản Cao Biền bám theo triền núi đá và có chiều dài lên tới gần 10km. 44 hộ dân của bản trong đó có tới 27 hộ nghèo sinh sống ở nhiều chòm khác nhau. Mỗi chòm cách nhau từ 2-3 km và có khoảng trên mười nóc nhà mỗi chòm. Mặc dù vậy, tiếng học bài râm ran dường như đã xua tan đi sự thiếu thốn, ảm đạm và buồn tẻ ở nơi này. Điểm trường bao gồm 3 dãy nhà gỗ lợp ngói với 4 phòng học và một phòng làm việc kiêm phòng ngủ dành cho các cô giáo dạy tăng cường. Lớp học với vách gỗ ken thưa khiến cho khi học lớp học này cũng nghe thấy bài giảng và tiếng nói từ các lớp khác vọng sang. Cơ sở hạ tầng lớp học còn nhiều thiếu thốn nhưng dường như không ảnh hưởng nhiều tới việc dạy và học của thầy và trò.

 

Hôm tôi đến là thứ Năm, học sinh lớp 3 do cô giáo Phụ trách Điểm trường Vi Thị Ấm, người dân tộc Tày đảm nhiệm đang dạy tiết thứ tư với môn Chính tả. Dưới sự chỉ bảo của cô giáo Ấm, từng nét chữ tròn trịa, nắn nót được các em đều đặn viết ra trên trang giấy trắng. Ở lớp học phía sau, cô giáo Chu Thị Miên đang dạy các em học sinh lớp môn Tự nhiên và Xã hội. Nhờ môn học này, việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn đã không còn lạ lẫm với trẻ em vùng cao. Lớp học lớn nhất bậc tiểu học do thày Ma Văn Luận phụ trách đang học môn Âm nhạc. Đồng thanh giọng hát còn ngọng nghịu tiếng Việt của gần 10 em nhỏ vang lên làm chộn rộn cả một góc bản Dao nơi núi thẳm.

 

Những người thày tâm huyết

 

Điểm trường Cao Biền được thành lập từ năm 2000. Năm học này, Điểm trường có 3 lớp do cô Miên, cô Ấm và thày Luận phụ trách ở các trình độ khác nhau gồm: lớp 2, lớp 3 và lớp 5. Điểm trường có 22 em học sinh thì có tới 16 em là con trong hộ gia đình nghèo. Theo các thày, cô thì học sinh ở đây không chỉ thiếu thốn đồ dùng học tập mà còn thiếu thốn cả quần áo mặc. Vào đầu mùa rét năm nay, hầu hết các em học sinh trong Điểm trường đến lớp với độc chiếc áo cánh. Những ngày giá lạnh, gió bấc, mưa phùn, cái lạnh lùa vào từ bốn phía khiến các em rất khó tập trung học, chỉ ngồi túm tụm, ôm nhau để tránh rét. Giúp đỡ các em, thày, cô giáo đã quyên góp của người thân và các tổ chức xã hội đủ quần áo ấm cho các em. Cô Miên cũng chia sẻ, để các em đến trường đầy đủ, các thày, cô giáo ngoài thời gian lên lớp dạy học và động viên các em tới lớp thì vẫn thường xuyên thăm hỏi, giúp cho các gia đình hiểu lợi ích khi cho con em mình đi học. Chính vì vậy, mặc dù địa hình Cao Biền rộng, các gia đình ở phân tán và cách xa nhau có khi tới 7 đến 8 km nhưng nhiều năm qua, bản không có học sinh bỏ học. Tất cả học sinh trong độ tuổi đều được đến trường. Thậm chí, một số em học sinh mất gần 1 giờ đi bộ mỗi sáng nhưng vẫn đều đặn đến lớp nhờ công vận động của các thày, cô giáo.

 

Để đến được Điểm trường, mỗi tuần các cô phải đi bộ gần 1 ngày cho 2 lượt đi ra và đi vào bản. Đường xá cách trở khiến cho việc có một bữa ăn “tươi” với các cô trở nên hiếm hoi. Mỗi tuần đi dạy, các cô chỉ được vài bữa ăn “tươi” đầu tuần. Còn lại thức ăn quen thuộc cho bữa ăn hàng ngày là rau dưa với cá khô, lạc rang. Cô Vi Thị Ấm cho biết, ở đây mọi phương tiện hỗ trợ giảng dạy đều thiếu, đường đi lại xa xôi, điện nước không đủ. Ngoài ra, theo cô Ấm thì thêm một cái khó nữa là việc tiếp thu bài giảng của các em rất chậm. Vì vậy, việc giảng dạy của các cô cũng thêm phần áp lực lớn hơn với các giáo viên ở Trường chính. Cô giáo Chu Thị Miên chia sẻ, khó khăn đấy nhưng rồi mình cũng quen và tìm được niềm vui trong việc dạy học. Vả lại bọn mình cũng chỉ tăng cường trong một thời gian rồi lại về Trường chính. Chỉ vất thày Luận bởi thày là người duy nhất “cắm bản” và cũng là người đứng lớp nhiều nhất Điểm trường khi phụ trách lớp 5 với toàn bộ 9 môn. Không có giáo viên để san sẻ giờ dạy, thầy Luận lên lớp 23 tiết mỗi tuần. Với số tiết như vậy, thày là người có số tiết dạy nhiều nhất Trường Tiểu học Phú Thượng. Tất cả các môn học từ môn Toán, môn Chính tả tới Mỹ thuật, Âm nhạc đều do một mình thầy đảm nhiệm.

 

Thầy Luận tâm sự: Hồi mới vào dạy, khó khăn quá nên nhiều lúc cũng muốn chuyển nơi khác. Nhưng sau quen rồi, thương các em nên tôi muốn ở lại để giúp các em biết thêm cái chữ. Được ăn bữa cơm trưa cùng các thày, cô giáo với rau cải nấu canh, thêm ít cá khô và lạc rang mà thật ấm lòng. Cô Ấm nói: Đến với Cao Biền, các cô phải chấp nhận thiếu thốn đủ thứ nhưng khó khăn nhất là thiếu thốn tình cảm. Nhiều lúc nhớ nhà quá, chỉ muốn bỏ về, nhưng rồi nghĩ lại thương các em học sinh, vì vậy mình lại bám lớp, bám trường.

 

Chia tay các thày, cô giáo, rời Cao Biền trên con đường quanh co đèo dốc lúc trước đối với tôi giờ thật dễ dàng. Không phải bởi tôi đã quen thuộc nó mà bởi tôi biết, phía cuối con đường có những thầy, cô giáo đang vượt mọi khó khăn, dành tình yêu thương cao đẹp nhất để chắp cánh niềm tin cho các học trò người Dao nơi vùng cao còn nhiều gian khó.