Nhằm hỗ trợ người dân 6 xã phía Tây Bắc huyện Võ Nhai có điều kiện phát triển sản xuất, từng bước xóa đói, giảm nghèo, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1932, ngày 19-8-2010 về việc " Phê duyệt phương án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 6 xã phía Tây Bắc huyện Võ Nhai". Việc hỗ trợ này đã góp phần tạo nên những những đột phá trong sản xuất, làm thay đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Khu vực 6 xã phía Tây Bắc huyện Võ Nhai gồm các xã: Cúc Đường, Vũ Chấn, Thượng Nung, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 2.000 hộ đồng bào thuộc các dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, Mông, Cao Lan. Điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực này còn nhiều khó khăn, thiếu thốn: trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Cụ thể, năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã Sảng Mộc còn chiếm trên 33%, Cúc Đường là 39%, Thượng Nung là 36%... Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác nông nghiệp còn lạc hậu, giống cây trồng chủ yếu vẫn là các loại giống cũ, kém chất lượng, năng suất thấp. Điều đáng nói là người dân vẫn chưa tiếp cận với các loại giống cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao, nhất là các loại giống lúa lai. Cuộc sống của người dân chủ yếu vẫn dựa vào rừng nên trở thành đối tượng trực tiếp khai thác hoặc làm thuê cho các "đầu nậu" khai thác vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.
Nhằm hỗ trợ người dân nơi đây có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo, hạn chế và dần dần chấm dứt tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép trong khu vực, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1932, ngày 19-8-2010 về việc " Phê duyệt phương án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 6 xã phía Tây Bắc huyện Võ Nhai". Theo đó, người nông dân sinh sống trong khu vực 6 xã phía Tây Bắc huyện Võ Nhai được hỗ trợ 100% các loại giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, ngô lai theo định mức và thực tế gieo trồng với các loại giống lai: Viet lai 20, Bồi tạp 49, Bồi tạp Sơn Thanh, Syn6, Nhị ưu 838; giống lúa thuần: Khang Dân đột biến, DB6, HT1, HT6, SH2; ngô lai: NK66, LVN99, CP888, CP999, CP989... Hầu hết các loại giống trên đều có thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng kháng bệnh cao và cho năng suất vượt trội. UBND huyện tổ chức mua các loại giống lúa, ngô để cấp cho các hộ dân theo kế hoạch sản xuất của từng xã và theo đăng ký diện tích gieo trồng của từng hộ dân. Việc xác định khối lượng giống lúa, ngô được tính theo định mức của ngành Nông nghiệp: 1,08kg lúa lai, lúa thuần/sào; 0,65kg ngô lai/sào.
Thực hiện Quyết định này của tỉnh, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND các xã trong khu vực triển khai cung ứng giống, hướng dẫn quy trình gieo cấy, chăm sóc cây trồng cho các hộ nông dân một cách kịp thời, đảm bảo gieo trồng đúng theo khung thời vụ. Cụ thể, tổng khối lượng các loại giống lúa lai đã được bà con đăng ký gieo cấy trong vụ xuân này là 5.038kg tương đương với 168ha; các loại giống lúa thuần chất lượng cao là 2.619kg, tương đương với 87,3ha; các loại giống ngô lai là 8.877kg tương đương với 492ha. Ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông Võ Nhai đã tổ chức được 20 lớp tập huấn, chuyển giao khoa khọc kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc các loại giống lúa, ngô trên cho trên 800 nông dân. Đây cũng là dịp để bà con có điều kiện tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm tăng năng suất cây trồng, từng bước ổn định cuộc sống, đồng thời từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu trước kia. Lần đầu tiên các loại giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao, ngô lai được đưa vào gieo trồng tại khu vực này với diện tích lớn nhất.
Chị Lê Thị Phương, xóm Bình Sơn khoe: Chúng tôi rất vui khi được Nhà nước hỗ trợ 100% giá các loại giống lúa mới, ngô mới có năng suất, chất lượng cao để sản xuất. Vụ lúa xuân này, gia đình tôi đã đăng ký cấy 5 sào giống lúa Nhị ưu 883. Cùng chung niềm phấn khởi đó, anh Hoàng Văn Đường, xóm Tân Sơn, xã Cúc Đường (Võ Nhai) cũng đã đăng ký cấy 4 sào giống lúa Bồi tạp Sơn Thanh. Hiện, 4 sào lúa giống mới này đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh cho biết: Chúng tôi không những được Nhà nước cho không các loại giống lúa lai, lúa thuần, giống ngô lai để sản xuất mà còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật gieo cấy cũng như quy trình chăm sóc cây trồng. 3 ngày trước đó, tôi đã phun thuốc phòng trừ bệnh cho đám ruộng cấy giống lúa mới. Anh Ma Văn Thùy, cùng xóm với anh Dương thì nói: Những vụ trước, gia đình chúng tôi chủ yếu cấy giống lúa Nàng hương, ít được biết đến các loại giống lúa mới. Năm nay, bà con được Nhà nước cho không thóc giống lúa lai để gieo cấy, tôi đã đăng ký cấy 4 sào giống lúa Bồi tạp 49. Nếu thấy giống lúa mới này cho năng suất cao thì gia đình tôi sẽ tiếp tục tăng diện tích giống lúa mới trong vụ sau.
Song bên cạnh đó, nhiều hộ dân vẫn còn băn khoăn lo lắng về hiệu quả của các loại giống lúa mới. Cho nên, bà con vẫn dè dặt khi đăng ký nhận giống sản xuất. Vì đây là lần đầu tiên các loại giống mới được đưa vào gieo trồng nên tâm lý chung của bà con là không biết các loại giống mới này có phù hợp với đồng đất địa phương và đem lại năng suất cao hơn hay không? Gia đình chị Hoàng Thị Nhàn, xóm Đồng Đình, xã Vũ Chấn có hơn 1 mẫu ruộng. Nhưng vụ lúa xuân này, chị chỉ đăng ký nhận cấy 3 sào giống lúa Bồi tạp Sơn Thanh. Sau khi suy nghĩ chị chỉ cấy có 2 sào giống lúa mới vì đây là lần đầu tiên làm loại giống lúa mới. Chị Nhàn chia sẻ: Chúng tôi được Nhà nước quan tâm đến đời sống sản xuất thì thấy vui lắm. Nhưng vì chưa bao giờ cấy loại giống lúa mới này nên gia đình tôi chỉ cấy một ít thôi, cấy hết lỡ bị mất mùa thì lại đói ăn.
Những điều chị Nhàn chia sẻ cũng là suy nghĩ chung của nhiều người dân trong khu vực được thụ hưởng chính sách này. Và đó cũng là trăn trở của các cán bộ làm công tác khuyến nông, những người được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn bà con thực hiện các quy trình kỹ thuật chăm sóc các loại giống cây trồng mới. Bà Âu Thị An, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Võ Nhai cho biết: Tính đến thời điểm này, các loại giống mới đã về đến tận tay đồng bào, được đưa vào sản xuất ngay trong vụ xuân này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng vẫn còn những lo lắng, trăn trở, bởi các loại giống mới này yêu cầu quy trình kỹ thuật thâm canh canh cao, phải luôn chủ động được nguồn nước tưới thì mới cho năng suất cao. Trong khi đó, nhận thức về kỹ thuật, quy trình chăm sóc các loại giống mới của bà con sẽ không tránh khỏi những hạn chế do trình độ dân trí còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi ở nhiều nơi vẫn chưa được hoàn thiện, chưa chủ động được nguồn nước tưới... Trước thực tế này, chúng tôi đã cử cán bộ làm công tác khuyến nông thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn bà con thực hiện chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình kỹ thuật để vụ sản xuất này thu được những kết quả tốt, từ đó tạo thêm lòng tin cho bà con trong việc đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng vào sản xuất nông nghiệp...
Có thể khẳng định rằng, sự hỗ trợ của tỉnh đối với người dân vùng cao 6 xã phía Tây Bắc huyện Võ Nhai là một chủ trương đúng đắn và rất cần thiết. Bởi, người dân nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, rất ít có đủ điều kiện mua những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao mà chủ yếu vẫn sử dụng giống lúa cũ kém chất lượng. Sự hỗ trợ này không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với người dân đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn mà còn góp phần tạo nên những những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là làm thay đổi cơ cấu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.