Nằm gần kề Trung tâm T.P Thái Nguyên, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) có nhiều thuận lợi để kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững. Nhìn những con đường bê tông trải dài; mầu xanh mơn mởn của lúa, ngô và không khí háo hức, khẩn trương chăm lo sản xuất của bà con, chúng tôi đã cảm nhận được sự khởi sắc của một xã điểm về xây dựng nông thôn mới.
Huống Thượng có 1.487 hộ, chia thành 10 thôn, xóm. Xác định được những khó khăn đặt ra của một xã thuần nông, Đảng bộ xã Huống Thượng đã đặc biệt chú trọng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực hiện các chương trình sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. UBND xã đã tập trung xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; khoanh vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, chuyên canh trồng lúa cao sản và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao. Diện tích lúa toàn xã hiện có 430ha với 70% là giống lúa Khang dân và 30% là lúa lai các loại; diện tích rau màu là 133ha chuyên trồng các loại rau: bắp cải, su hào, đỗ, cà chua... Mới đây, xã đã thành lập được 1 HTX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh việc trồng lúa và rau màu, xã còn khuyến khích bà con trồng mía và hoa trên diện tích 13ha. Ông Vương Xuân Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho biết: Tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm của xã đạt 2.634 tấn/năm; bình quân lương thực đạt 448kg/người/năm. Đời sống của bà con giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều, thu nhập bình quân đầu người đạt 11 triệu đồng/năm; hộ nghèo trong xã giảm theo từng năm giờ chỉ còn 10%. Hiện nay, chăn nuôi cũng đang được coi là kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết về phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình trang trại tập trung. Nhiều hộ đã phát triển kinh tế gia đình chủ yếu từ chăn nuôi và có đầu tư trọng tâm, cho thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/hộ/năm như: mô hình nuôi lợn nái của bà Phạm Thị Toan, ở xóm Giàng; mô hình nuôi vịt và ấp trứng vịt của gia đình ông Lê Văn Vương, ở xóm Trám…
Theo sự giới thiệu của ông Bằng, chúng tôi đến thăm mô hình làm kinh tế tổng hợp của gia đình anh Lê Trung Dư, ở xóm Cậy. Năm 2008, anh Dư ký hợp đồng với xã trông khu rừng phòng hộ trong vòng 20 năm và được xã giao cho quản lý 1ha đất. Ngoài ra, anh đã thuê thêm 7 sào đất nữa của các hộ dân xóm, trên gần 2ha đó, anh đã đầu tư 130 triệu đồng vào việc xây dựng chuồng trại trồng 300 gốc táo, 150 gốc ổi, nuôi gối lứa 200 con vịt, 400 con ngan và 13 con lợn thịt. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh lãi trên 100 triệu đồng.
Đến Huống Thượng những ngày này, không chỉ thấy được sự đổi thay ở diện mạo của một xã đang giàu lên từng ngày, mà còn cảm nhận được một nếp sống văn hóa đang được hình thành từ mỗi thôn, làng, ngõ xóm. Đó là những con đường bê tông uốn lượn dẫn đến từng nhà; 10/10 xóm đã có nhà văn hóa để bà con sinh hoạt; 90% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; 2 trong số 3 trường đạt chuẩn Quốc gia; các công trình công cộng như Trung tâm học tập cộng đồng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của mọi người dân…
Nhằm triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế địa phương, xã đã khuyến khích, vận động lực lượng nhàn rỗi vào làm ở các khu công nghiệp trong địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động để giải quyết việc làm và tăng thu nhập.
Có được những kết quả trên phải kể đến sự đoàn kết, năng động trong xây dựng và lãnh đạo của Đảng bộ xã Huống Thượng. Hầu hết các Nghị quyết, chuyên đề ở mọi lĩnh vực đều tạo được sự đồng thuận nhất trí cao của Đảng bộ và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra, để phát huy mọi tiềm năng thế mạnh, tập trung mọi nguồn lực cho các chương trình phát triển kinh tê - xã hội ở địa phương, xã Huống Thượng đang tích cực giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện các giải pháp để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo; phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2015…