Động lực từ một chính sách mới

08:54, 24/05/2011

Ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định 67 về một số chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân trước đây. Nghị định 41 đã tạo cơ chế thông thoáng  cho người dân tiếp cận vốn của ngân hàng, có thêm động lực  mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.                            

Ngày 12-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn (NN,NT) để thay thế cho Nghị định 67 về một số chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân (NN,NT,ND) trước đây. Điểm mới của Nghị định này là: các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn, hợp tác xã, chủ trang trại được cho vay không có đảm bảo bằng tài sản để thực hiện phương án hoặc dự án sản xuất, kinh doanh (SXKD) thuộc các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển NN,NT theo các mức: Tối đa đến 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với hộ SXKD ngành nghề hoạc dịch vụ phục vụ nông nghiệp; tối đa đến 500 triệu đồng đối với các HTX, chủ trang trại trong lĩnh vực NN,NT.

 

Với chính sách trên đã tạo cơ chế thông thoáng cho người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để phát triển SXKD. Chúng tôi đã có dịp đến thăm cơ sở sản xuất của anh Ngô Công Phượng ở xóm Cẩm Trà, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên. Đây là cơ sở chuyên gia công mặt hàng con tiện cầu thang. Anh cho biết: Gia đình tôi chuyên doanh mặt hàng này từ năm 2004. Nhu cầu vốn cho sản xuất phải cần từ 2,5 đến 2,7 tỷ đồng. Trước đây, quy mô sản xuất còn nhỏ, giá cả không cao lắm nên chỉ cần nguồn vốn của gia đình, hoặc có thiếu đi vay ngân hàng cũng không đáng kể là có thể vẫn duy trì được SXKD.

 

Từ năm 2010 đến nay, cơ sở sản xuất được mở rộng, giá thành sản phẩm tăng cao, khách hàng nợ nhiều; ngay cả nguồn nguyên liệu cũng cần phải dự trữ mới đủ đáp ứng cho sản xuất vào mùa xây dựng, nên nhu cầu vốn cho sản xuất rất lớn. Rất may nhờ có chính sách tín dụng cởi mở, được ngân hàng cho vay tới 500 triệu đồng nên tôi đã có điều kiện mở rộng SXKD. Sản phẩm của gia đình làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, khách hàng chủ yếu ở Hà Nội. Không những tạo dựng cơ nghiệp cho bản thân, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động trong xóm với mức thu nhập bình quân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Anh còn cho biết: Nhu cầu mặt hàng con tiện cầu thang ngoài thị trường đang rất lớn, cơ sở lại làm ăn có uy tín từ nhiều năm nay nên rất mong ngân hàng tạo điều kiện được vay đến 1 tỷ đồng muốn mở rộng cơ sở sản xuất (xây dựng nhà xưởng và mua thiết bị phục vụ sản xuất) và thu hút lao động trong xóm vào làm việc.

 

Còn gia đình chị Trần Thị Tiếp ở xóm Am Làm, xã Trung Thành (Phổ Yên) lại có cách làm khác: anh, chị đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo) Phổ Yên cho vay đến 410 triệu đồng để cải tạo 20 nghìn m2 đất hoang hoá và đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn mán và lợn rừng, đào ao thả cá. Hiện tại, trong chuồng gia đình anh, chị đang nuôi 4 con lợn rừng bố, mẹ và 4 đàn lợn con các lứa tuổi với tổng số 36 con. Chị cho biết: Gia đình đang rao bán giá 1kg lợn rừng con là 360 nghìn đồng. Trong khi đó 1 con lợn rừng con nặng bình quân từ 7-8 kg (như vậy giống ban đầu cũng lên đến gần 3 triệu đồng/con). Tuy là bước khởi đầu, song nhìn cơ ngơi của gia đình chị đã hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Vì xu hướng tiêu thụ lợn rừng và lợn mán đang còn rất lớn đối với người tiêu dùng.

 

Theo anh Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc NHNo tỉnh cho biết: “Ngay sau khi Nghị định 41 được ban hành, Ngân hàng xác định đây là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực NN,NT,ND nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NN,NT, xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Vì vậy, NHNo đã triển khai kịp thời chính sách trên đến các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Để triển khai có hiệu quả, Ngân hàng đã ưu tiên và chú trọng huy động vốn để cho vay, đầu tư vào lĩnh vực NN,NT theo đúng tinh thần của Nghị định 41”. Vì vậy, Ngân hàng đã khai thác tối đa nguồn vốn huy động (tính đến 31-3-2011, Ngân hàng đã huy động được 3.435 tỷ đồng) để đáp ứng tốt nhu cầu cho vay NN,NT không những đối với nhiều đối tượng như: cây giống, con giống, thu mua lương thực; kinh doanh phân phón, thuốc trừ sâu; phục vụ vốn cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến hàng xuất khẩu… mà còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng NN,NT như: đầu tư đường điện, đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương tưới tiêu…

 

Để người dân dễ tiếp cận với nguồn vốn, Ngân hàng cũng rất “linh hoạt” trong phương thức cho vay để bảo đảm nguồn vốn phù hợp với thực tiễn SXKD, tiết kiệm được chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư. Tính đến 31-3-2011, doanh số cho vay và đầu tư vào nền kinh tế của NHNo đạt 1.449 tỷ đồng; tổng dư nợ 3.148,9 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay phát triển NN,NT 2.392 tỷ đồng với 28.287 khách hàng vay vốn (chiếm 76% trong tổng dư nợ). Dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo là 398,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông thôn tập trung chủ yếu ở hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.

 

Có thể nói, Nghị định 41 không chỉ tạo cơ chế thông thoáng tạo cho người dân tiếp cận vốn của ngân hàng mà còn tạo điều kiện để người dân  có thêm động lực mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực NN,NT. Đây cũng là cơ sở để Ngân hàng tăng tỷ trọng cho vay trong NN,NT,ND (từ 80% trở lên) và tăng tỷ suất đầu tư cho các hộ gia đình vay vốn sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ở cả các khu vực miền núi và các huyện vùng thấp phù hợp với điều kiện cho phép.