Giá cả đang được kiềm chế - Hiệu quả từ những giải pháp đồng bộ

09:15, 19/05/2011

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của sự điều chỉnh giá một số hàng hoá mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, điện, phân bón… theo lộ trình giá thị trường, bên cạnh đó là sự tăng lương cho cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã kéo theo sự tăng giá của nhiều nhóm mặt hàng. Giá cả tăng đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh và đời sống của người dân.

 

Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 11 và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, trong thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo các Đội QLTT các huyện, thành, thị (gọi chung là các huyện) với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127 ở địa phương theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, làm tốt công tác dự báo để chủ động tham mưu cho UBND các huyện kịp thời có biện pháp điều tiết bình ổn thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ, nâng giá và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) để đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó Đội cơ động QLTT đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm trên khâu lưu thông, trong đó tập trung vào các mặt hàng bình ổn giá. Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán giá theo niêm yết đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân SXKD mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá.

 

Trong tháng 3 và 4-2011, các Đội QLTT đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành lĩnh vực giá ở các huyện đối với các mặt hàng thiết yếu như: xi măng, sắt thép, khí dầu mỏ hoá lỏng, phân bón, đường sữa, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh… Đi đôi với nhiệm vụ trên, Chi cục QLTT tỉnh còn phân công cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh thực hiện “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2011”. Qua công tác kiểm tra trên lĩnh vực giá và VSATTP từ tháng 2 đến 15-5, các Đội QLTT đã kiểm tra 65 vụ, trong đó,  có 43 vụ liên quan đến lĩnh vực giá, 22 vụ vi phạm VSATTP, các Đội đã xử lý 63 vụ. Hiện nay, các Đội QLTT và Đội cơ động của tỉnh vẫn đang tích cực kiểm tra tại các thị trấn, thị tứ của các huyện; đối với các phường, xã của thành phố và thị xã là những nơi có chợ và trung tâm thương mại lớn. Về phía Sở Tài chính cũng đã có công văn yêu cầu các huyện, thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên về lĩnh vực giá; đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện kiểm tra đối với các doanh nghiệp có kinh doanh các mặt hàng thiết yếu để chống tăng giá và vi phạm các quy định về giá. 

 

Tham gia thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, không riêng gì các ngành chức năng mà có cả sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, những hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Huy Luân, Giám đốc Siêu thị Minh Cầu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thái Nguyên cho biết: Từ tháng 4 đến nay giá cả tuy vẫn tăng cao song đã tương đối bình ổn hơn. Để góp phần bình ổn giá cả thị trường, Siêu thị đã đề nghị với các nhà cung cấp hàng hoá cắt giảm chiết khấu. Về phía Siêu thị cố gắng bình ổn giá các mặt hàng ở mức thấp nhất bằng cách đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, vì vậy, nhiều mặt hàng lãi không đáng kể (chỉ 1%, thậm chí còn hoà vốn). Do vậy, so với giá ngoài thị trường, các mặt hàng của Siêu thị giá vẫn thấp hơn hoặc tăng không đáng kể”.

 

Chị Nguyễn Thị Sơn, một hộ chuyên đại lý các mặt hàng đường, sữa, bánh kẹo ở đường Cách mạng Tháng Tám cho biết: “Mặc dù giá cả nhiều mặt hàng tăng giá từ gốc, song, chúng tôi không vì thế mà “tát nước theo mưa”. Có những mặt hàng đã tăng giá, nhưng trong kho vẫn tồn chưa bán hết, chúng tôi vẫn bán theo giá cũ. Chỉ bán theo giá mới những lô hàng vừa nhập vào. Khách của cửa hàng chủ yếu là khách quen, thường xuyên đến mua hàng nên chúng tôi không muốn lợi dụng tăng giá để kiếm lời”. Đây không phải riêng ý kiến của chị Sơn mà đi nhiều cửa hàng, những hộ kinh doanh lâu năm đều làm như vậy. Chính vì thế nên giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường tuy có tăng những vẫn giữ ở mặt bằng chung ở tất cả các chợ hay trung tâm thương mại, có chênh lệch nhau về giá cũng không đáng kể. Mặt bằng giá chung được tạo lập như vậy cũng là do nguyên nhân: trên thực tế, nếu nhà sản xuất và hộ kinh doanh tự tiện tăng giá vượt với giá trị hàng hoá quá nhiều thì chính người tiêu dùng sẽ tự “đào thải” và không chấp nhận mua với giá cao ngoài khả năng thu nhập của mình. Bên cạnh đó, việc tăng lương cho các đối tượng, giá các mặt hàng thiết yếu đã dần đi vào ổn định.

 

Với những giải pháp tích cực, đồng bộ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước đến hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người dân nên đã góp phần vào bình ổn giá. Nếu như tháng 3-2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,39% so với tháng trước. Ngoài nhóm bưu chính viễn thông, còn 10/11 nhóm còn lại có chỉ số giá tăng cao so với tháng 2 là: giao thông tăng 7,95%, nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,16%; ăn uống và dịch vụ tăng 2,52%. Tháng 4, chỉ số giá tăng 3,91%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,21% so với tháng 3, tăng 30,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 14,73% so với tháng 12-2010; nhóm nhà ở, điện, nước chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 5,5% so với tháng 3, tăng 18,8% so với cùng kỳ…

 

Thì từ đầu tháng 5 đến thời điểm này, tuy giá cả vẫn ở mức cao nhưng đã bắt đầu chững lại. Một số mặt hàng còn có xu hướng giảm như: lương thực, thực phẩm, rau xanh, vật liệu xây dựng (trừ xi măng đang có biến động).

 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không chủ quan, vì theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, sang quý 2,3 /2011 nền kinh tế chưa lường hết khó khăn. Vì vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là thường xuyên tổ chức các hội chợ thương mại để các doanh nghiệp quảng bá giới thiêụ sản phẩm, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp tiếp tục được Nhà nước “tiếp sức” bằng cách hỗ trợ vốn ngân sách không lấy lãi để mua hàng phục vụ và có quầy hàng bình ổn giá.

Còn giải pháp “thông thái” nhất đối với người tiêu dùng là: chấp nhận mặt bằng giá mới và không chấp nhận những mặt hàng tự tăng giá quá cao so với thu nhập của mình. Đối với doanh nghiệp cũng nên cùng Nhà nước đưa ra các sản phẩm giảm giá, khuyến mãi người tiêu dùng.