Chỉ sau 1 năm đầu tư trồng nấm trên diện tích 1,5ha, Công ty Cổ phần Nấm Nhật Sơn ở xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) đã trở thành cơ sở cung cấp nấm vào loại lớn của tỉnh.
Theo ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Công ty, từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp đã sản xuất được 6 tấn mộc nhĩ khô, 1,5 tấn nấm linh chi khô và 40 tấn nấm sò, doanh thu ước đạt khoảng 2 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập 1,8 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến chỉ gần 1 năm nữa, Công ty sẽ thu hồi được toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (3,8 tỷ đồng).
Công ty Cổ phần Nấm Nhật Sơn tham gia trồng nấm ngay từ khi Đề án Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm giai đoạn 2010-2015 của tỉnh khởi động. Tiếp theo đó, nhiều doanh nghiệp, HTX cũng tham gia vào Đề án. Riêng trong năm 2010 có 5 đơn vị tham gia vào Đề án là Hợp tác xã (HTX) Nấm Hùng Sơn (Đại Từ); HTX Nấm sạch Tân Quang (T.X Sông Công); Công ty TNHH Tân Đô, xã Hoà Bình (Đồng Hỷ); Công ty Cổ phần Tiến Sơn, xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Ngoài ra, một số nông hộ là hội viên Hội Nông dân xã Quyết Thắng, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đã mua bịch của các doanh nghiệp, HTX về sản xuất nấm tại nhà. Sang năm 2011, Thái Nguyên tiếp tục có thêm 6 doanh nghiệp, HTX tham gia vào Đề án, trong đó phải kể đến Công ty Cổ phần Tiên Trường (Hà Nội), đã phối hợp với HTX Nấm Hùng Sơn đầu tư 4,4 tỷ đồng vào sản xuất nấm ở xã Tiên Hội (Đại Từ)...
Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - đơn vị được giao triển khai Đề án cho biết: Sau 1 năm thực hiện, chúng tôi có thể khẳng định, việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm trên địa bàn tỉnh đã thu được kết quả khả quan. Trước khi có Đề án, tỉnh cũng có một số HTX Nấm ở Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương... nhưng đa phần chỉ sản xuất cầm chừng. Một bộ phận người dân cũng chỉ trồng theo quy mô hộ gia đình. Toàn tỉnh có duy nhất HTX Nấm Hùng Sơn là cơ sở cung cấp nấm lớn nhất. Đến nay, Thái Nguyên đã có 11 doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, từ tháng 7-2010 đến hết tháng 4-2011, sản lượng nấm đạt khoảng 2.000 tấn (trong đó nấm sò chiếm 60% sản lượng, còn lại là nấm linh chi, mộc nhĩ…); giải quyết việc làm thường xuyên cho 200 lao động địa phương (chủ yếu là hội viên hoặc con em hội viên Hội Nông dân) với mức thu nhập trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, chỉ sau 1 năm thực hiện, Đề án đã đạt được một số mục tiêu đề ra như: sản lượng; giải quyết việc làm cho lao động địa phương; tổ chức được mạng lưới tiêu thụ ổn định tại một số siêu thị lớn ở Hà Nội, các chợ đầu mối ở Hà Nội, Tuyên Quang, Thái Nguyên, nấm sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường... Theo đó, hầu hết sản lượng nấm đều được tiêu thụ qua mạng lưới của Hội Nông dân…
Đạt được kết quả này là do Thái Nguyên đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nghề trồng nấm phát triển như: Tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên các diện tích xét thấy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp khác kém hiệu quả. Các doanh nghiệp và hộ gia đình trồng, chế biến nấm được hưởng các ưu đãi về đầu tư theo quy định (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư, vốn...); hỗ trợ 100% kinh phí cho tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, tham quan học tập, đào tạo nghề...; hỗ trợ 40% kinh phí mua giống nấm và đầu tư máy móc; hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động khảo sát thị trường, tuyên truyền và tổ chức tiêu thụ sản phẩm nấm thông qua tổ chức Hội Nông dân...
Về phía Hội Nông dân, cũng đã lựa chọn, giới thiệu được những doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư cho lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Ngà cho biết thêm: Yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp khi tham gia Đề án là phải đảm bảo các yếu tố về mặt bằng sản xuất; có đủ năng lực về tài chính; có chuyên gia tư vấn hoặc am hiểu về kỹ thuật trồng nấm; giải quyết được việc làm cho lao động địa phương theo hình thức làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc các đơn vị cung cấp bịch cho nông dân sản xuất nấm tại nhà rồi bán lại cho doanh nghiệp…Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cũng đã làm tốt vai trò là cầu nối khi giới thiệu được các chuyên gia, các đơn vị có kinh nghiệm về lĩnh vực này cho doanh nghiệp trồng nấm trên địa bàn. Qua đó, các doanh nghiệp đã được các đơn vị này chuyển giao kỹ thuật trồng nấm một cách có hệ thống, bài bản…
Để tiếp tục thực hiện Đề án có hiệu quả, trong năm 2011, Thái Nguyên sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, HTX tập trung vào sản xuất nấm theo chiều sâu bằng cách nâng cao chất lượng, sản lượng; xây dựng thương hiệu Nấm Thái Nguyên và xúc tiến, thành lập Hội Làm nấm Thái Nguyên để các doanh nghiệp, HTX… liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ nấm đạt hiệu quả cao.