Sau hơn 1 năm được công nhận là làng nghề, các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở xóm Phú Lâm, xã Kha Sơn và làng Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình) có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì người dân nơi đây cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường …
Những ngày đầu tháng 5, mặc dù không phải là thời kỳ “cao điểm” nhưng không khí làm việc ở cả 2 khu vực làng nghề Phú Lâm và Phương Độ đều khá nhộn nhịp. Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng xóm Phú Lâm, một trong những người cảm nhận rõ nhất sự thay đổi từ khi xóm được công nhận có làng nghề. Ngay trước cổng nhà ông cũng mới hình thành 1 cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ với diện tích hàng trăm m2. Ông Thành cho hay, đó là nhà xưởng của một chàng rể trong xóm. Sau khi Phú Lâm được công nhận làng nghề, anh này đã quyết định chuyển xưởng về đây. Ông Thành nhẩm tính, chỉ đến cuối năm nay sẽ có khoảng chục cơ sở sản xuất có quy mô như thế hoàn thành và đi vào sản xuất ở đây. Tuy vậy, ông Thành cũng tỏ rõ sự lo lắng khi các cơ sở sản xuất ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về quy mô, trong khi việc quy hoạch làng nghề vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Được biết, làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ Phú Lâm hiện có 36 cơ sở (tăng 3 cơ sở so với đầu năm 2010 - thời điểm xóm được công nhận làng nghề), dự kiến sẽ tăng thêm 10 cơ sở vào cuối năm nay. Trung bình, mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho 4-5 lao động với mức thu nhập từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng. Vào dịp cuối năm, lượng hàng nhiều, số lao động của các cơ sở tăng từ 1,5-2 lần. Do phát triển theo hướng tự phát nên các xưởng sản xuất này đều nằm ngay trên phần đất ở của các gia đình. Vì thế, bản thân các gia đình có nghề cũng như những hộ dân sống xung quanh lâu nay phải sống trong bầu không khí ô nhiễm bởi tiếng ồn, bụi bặm và mùi sơn.
Giống như ở Phú Lâm, môi trường ở làng nghề Phương Độ cũng đang trong tình trạng đáng báo động. Trên 80 cơ sở sản xuất của làng nghề đều nằm trong khu vực dân cư. Do diện tích hạn chế nên nhiều hộ còn lấy cả hành lang giao thông làm nơi sản xuất và tập kết nguyên vật liệu. Đi dọc theo con đường dẫn vào trụ sở UBND xã, chúng tôi cảm nhận rõ sự tác động của các cơ sở này đối với môi trường xung quanh. Mùi sơn P.U và bụi từ những chiếc máy cưa, máy xẻ phát ra từ các xưởng sản xuất khiến chúng tôi phải nín thở. Được biết, làng nghề Phương Độ đã được cơ quan chức năng của huyện lập quy hoạch chi tiết với diện tích 10,4ha, đang trình Sở Xây dựng thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng nên việc thực hiện quy hoạch chi tiết làng nghề vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải…
Đồng chí Dương Văn Hưng, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Phú Bình cho biết: Với nhận thức phát triển làng nghề là xu hướng tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nên cuối năm 2010, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 4408 phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, toàn huyện sẽ có 27 cụm TTCN, làng nghề, phân bố ở cả 21 xã, thị trấn, với diện tích trung bình từ 5-10ha/cụm. Trong số này, Xuân Phương là xã đầu tiên được tiến hành quy hoạch với làng nghề Phương Độ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà huyện đang gặp phải trong việc lập quy hoạch chi tiết các cụm TTCN, làng nghề là kinh phí thực hiện. Để lập quy hoạch chi tiết mỗi làng nghề thì cần từ 200-400 triệu đồng; còn để giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng cho 1 cụm TTCN, làng nghề cần từ 22-45 tỷ đồng (tùy theo diện tích lớn hoặc nhỏ). Đây là số tiền không nhỏ đối với các địa phương trong tỉnh, nhất là đối với huyện thuần nông Phú Bình.
Về phía các hộ sản xuất thì sao? Theo anh Nguyễn Văn Bích và nhiều chủ cơ sở sản xuất khác ở làng nghề Phương Độ thì do hầu hết các cơ sở đều mới đi vào hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn. Vì thế, để có thể chuyển xưởng vào khu quy hoạch làng nghề rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước trong việc tạo cơ chế cho vay vốn đối với các hộ sản xuất thuộc các khu vực làng nghề.
Ngoài 2 làng nghề nói trên, ở một số xã trên địa bàn huyện Phú Bình hiện cũng dần hình thành những khu vực sản xuất tập trung với các ngành nghề như: làm bún, đúc xoong, sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng… đã và đang ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường. Thực trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện phải có sự định hướng sớm về vị trí quy hoạch cho mỗi làng nghề để người dân có ý thức tập trung sản xuất tại khu vực sẽ được quy hoạch. Cũng qua đó sẽ từng bước tạo đà cho sự phát triển TTCN và các làng nghề.