Nâng cấp lưới điện nông thôn tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng

09:13, 29/05/2011

Việc Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện tiếp quản và đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn của 94 xã trong tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng điện áp, giúp người dân nông thôn được mua điện theo đúng khung giá quy định của Nhà nước, tai nạn do điện được giảm thiểu. Lưới điện hạ áp nông thôn được đầu tư nâng cấp đã giảm hao tải trên 12% điện năng, giúp Công ty Điện Thái Nguyên tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng mỗi tháng…

 

Lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn và qua các giai đoạn khác nhau nên thiếu đồng bộ, chất lượng điện áp thấp, hao tải đường dây tới 30%... Những hạn chế này đã khiến nhiều vùng nông thôn trong tỉnh có điện lưới nhưng người dân vẫn phải chịu cảnh "trên điện, dưới đèn", nhiều loại động cơ phục vụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt chạy bằng điện mua về bỏ đó hoặc có dùng cũng không ổn định. Đường dây điện hạ áp không đảm bảo nên vào mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn do điện gây thiệt hại về người, tài sản. Chính vì vậy nên khi Chính phủ có chủ trương giao cho ngành Điện tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn để quản lý, đầu tư nâng cấp đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh. Tháng 8-2008, Công ty Điện lực Thái Nguyên bắt đầu thực hiện việc rà soát, tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn thì 1 năm sau đã hoàn thành công việc làm này tại 94 xã trong tỉnh (lưới điện hạ áp của các xã, phường còn lại trong tỉnh đã được ngành Điện quản lý, bán điện trực tiếp tới hộ dân). Trong đó, có một số địa phương như: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai đã phối hợp trách nhiệm cao với ngành Điện trong việc chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn. Ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chúng tôi đã báo cáo với Thường trực Tỉnh uỷ về công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền chính sách này tới 9 huyện, thành, thị. Đồng thời lên phương án tiếp nhận từng tháng, từng quý và có các phương án giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong quá trình triển khai nên việc tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi".

           

Ngay sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của 94 xã trong tỉnh, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã lập phương án và tiến hành thay thế những đoạn đường dây, cột điện cũ nát và trên 100 nghìn công tơ điện không đảm bảo chất lượng với tổng số vốn đầu tư giai đoạn I là trên 70 tỷ đồng. Việc đầu tư cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn nhanh chóng tăng chất lượng điện áp, hao tải điện năng giảm từ trên 32% xuống còn gần 20%. Anh Nguyễn Văn Khoa, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) cho biết: "Đường điện ở khu dân cư chỗ chúng tôi được bà con đóng góp xây dựng từ trước năm 2000 nên xuống cấp, đường dây chắp vá nên điện thắp sáng còn không đủ, giá điện lên tới trên 2 nghìn đồng/kw. Nhưng từ năm 2009 ngành Điện tiếp quản thì chất lượng điện tốt lên rất nhiều, giá điện giảm xuống theo khung giá Nhà nước quy định, người dân trong xóm cũng không phải lo sửa chữa khi lưới điện bị hư hỏng…". Ngoài chuyện người dân được hưởng lợi, từ khi tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn, Công ty Điện lực Thái Nguyên đã làm lợi được trên 1 tỷ đồng mỗi tháng từ việc giảm tổn thất điện năng, chênh lệch giá bán điện.

 

Không thể phủ nhận những kết quả sau khi Công ty Điện lực Thái Nguyên thực hiện việc tiếp quản lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh nhưng trong thực tế vấn đề chất lượng nguồn điện tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh vẫn rất kém, cần tiếp tục được đầu tư nâng cấp mới đảm bảo được điện năng phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt là lưới điện hạ áp nông thôn tại 2 huyện: Phổ Yên, Phú Bình và lưới điện hạ áp ở một số địa phương khác trong tỉnh do các HTX dịch vụ điện quản lý, vận hành.

 

Vẫn theo ông Đinh Hoàng Dương, để kinh doanh điện hiệu quả và nâng cao chất lượng điện áp ở 94 xã trong tỉnh cần có số vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng nên trong thời gian tới ngành Điện sẽ phải tìm những nguồn vốn vay có thời hạn dài, lãi suất thấp để từng bước hoàn thiện lưới điện nông thôn.