Làng Muông xã Yên Ninh (Phú Lương), là vùng đồi rừng cao giáp ranh với huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, một phía giáp với xã Tân Dương, huyện Định Hóa, 586 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Tày. Đây là xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao. Để khắc phục khó khăn, bà con đã nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế, nhưng để có sự đổi thay rõ nét, người dân nơi đây rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành…
Đã được cảnh báo trước nên chúng tôi chọn một ngày khô ráo để đến với bà con xóm Làng Muông, mặc dù vậy cơn mưa vài ngày trước vẫn còn gây nhiều trở ngại cho hành trình của chúng tôi. Từ trung tâm xã vào xóm chỉ có 3km nhưng do đường nhỏ hẹp, quanh co và có nhiều khúc lầy trơn truội làm cho người đến cảm thấy xa hơn. Qua cây cầu treo bắc ngang qua con sông
Ngoài việc đường sá đi lại khó khăn, cái khổ nhất hiện nay đối với bà con trong xóm là cho đến giờ xóm vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Niềm khao khát điện thể hiện rõ qua tâm sự của những người dân mà chúng tôi được tiếp xúc. Chính niềm khao khát ấy đã biến thành lòng quyết tâm bằng giá nào cũng phải đưa điện về xóm. Tháng 12-2009, 30 hộ dân trong xóm đã bàn nhau góp mỗi hộ 3 triệu đồng mua dây điện tự kéo từ trạm điện thuộc xóm Ba Luồng về. Số hộ chưa có điện thấy vậy cũng bàn nhau chia làm 2 nhóm đóng góp tiền mua dây điện, đồng hồ điện để dẫn điện về, thế là 2 đường điện nữa lại men theo đường mòn, vắt ngang qua những quả đồi để dẫn điện về. Để có điện, nhiều gia đình đã phải bán trâu, bò để mua dây điện, sắm tivi, bóng điện, quạt điện, lắp máy vò chè. Đổi lại, đường điện được kéo về cũng chỉ là chút ánh sáng lập lòe như đom đóm, những đồ dùng chạy điện mua về lại không sử dụng được.
Anh Lường Văn Sơn cho hay: Đường điện xóm chỉ kéo đến trung tâm xóm, mà nhà tôi ở tận cuối xóm, cách xa tới 2km, nên ngoài việc phải đóng 3 triệu đồng như quy định, tôi còn phải bỏ thêm 4 triệu đồng nữa mới đủ tiền mua dây kéo điện về đến nhà. Nhà tôi vốn đã thuộc diện nghèo, có con trâu để lấy sức kéo cũng đã phải bán nốt để đầu tư vào công trình điện này, nên càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn bế tắc về kinh tế. Nhưng cho đến nay, gia đình tôi hầu như vẫn không biết đến ánh sáng điện, do nhà ở quá xa trạm, nên điện yếu không thắp sáng nổi chiếc bóng com - pắc, chủ yếu vẫn chỉ dùng đèn dầu. Đã thế tháng nào cũng phải trả tiền hơn chục số điện hao tổn trên đường dây. Bà Nông Thị Loi thì tâm sự: Nhà tôi ở ngay trung tâm xóm nhưng cũng không khả quan hơn là mấy, vào giờ cao điểm (từ 19-22 giờ) thì tất cả các thiết bị điện cũng đều không chạy được chỉ có thể thấy được ánh sáng yếu ớt từ chiếc bóng điện treo giữa nhà. Nếu muốn sử dụng các thiết bị chạy điện thì phải chờ đến nửa đêm khi ít người sử dụng thì điện mới đảm bảo.
Không có điện, bà con trong xóm gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế và sinh hoạt. Anh Vũ Văn Đôn, Trưởng xóm cho biết: Tổng diện tích đất của xóm khoảng 400ha, trong đó diện tích đất canh tác chiếm trên 30ha, còn lại là đất rừng. Những năm gần đây, các hộ dân trong xóm đã tích cực tìm hướng phát triển kinh tế, đặc biệt là từ năm 2008 trở lại đây, bà con đã đưa cây chè vào trồng, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn. Đến nay, xóm có trên 70% số hộ trồng chè với tổng diện tích khoảng 20 sào. Tuy nhiên, do không có điện nên sự nỗ lực của bà con cũng còn bị hạn chế, năng suất chè đạt thấp, chất lượng cũng không đảm bảo nên giá bán luôn thấp hơn chè của các vùng khác.
Anh Nông Văn Cận cho biết: Năm 2009, tôi đã lấy giống chè ở xã Tức Tranh về trồng trên mấy sườn đồi với tổng diện tích khoảng 6 sào. Nhưng do không có điện nên không thể tưới chè mà vẫn chỉ trông vào nước trời, vì vậy năng suất chè chỉ đạt khoảng 5kg búp khô/lứa/sào, mỗi lứa gia đình tôi thu khoảng 30kg chè búp khô, giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg. Việc chăm sóc chè đã thế, công đoạn chế biến chè ở đây cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu hôm nào muốn chạy máy vò chè thì tôi phải dậy lúc 1 giờ sáng để làm, lúc đó điện mới đủ khỏe để chạy máy. Do không có điện nên 20 chiếc máy vò chè của 20 hộ dân trong xóm chẳng mấy khi dùng đến, chủ yếu bà con vẫn sao chè bằng phương pháp thủ công, mất rất nhiều thời gian, công sức.
Để khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, bà con xóm Làng Muông đã nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế, không tiếc tiền của để đóng góp xây dựng cơ sở vật chất chung, nhưng trước những gian khó đó, muốn cuộc sống của người dân nơi đây có sự đổi thay rõ nét là việc làm khó, vượt quá sức của bà con trong xóm. Chính vì vậy, họ luôn mong sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, tiếp sức cho họ vượt qua khó khăn của cuộc sống. Trước mắt là bà con ở đây ước mong có 1 trạm điện để phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Chúng tôi đi hết một vòng quanh xóm cũng là lúc mặt trời đã xuống thấp, vào thời điểm này, các nhà trong xóm đang chuẩn bị bữa cơm chiều, để khi mặt trời khuất hẳn sau khu rừng cuối xóm cũng là lúc họ đều đã cơm nước xong xuôi, màn đêm buông xuống, mọi hoạt động của người dân cũng dừng lại, mọi công việc đều phải gác lại chờ sớm mai khi mặt trời ló rạng.