Tuy không có hẹn trước, nhưng khi làm việc cùng chúng tôi, bà Trần Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) đã không ngần ngại gác lại công việc đang làm, để đưa chúng tôi về các chi hội, gặp gỡ những hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào xoá đói, giảm nghèo ở xã.
Hội Nông dân xã hiện có 16 chi hội, 1.315 hội viên, trong đó có 30 hội viên nghèo đang được giúp đỡ. Ông Nguyễn Xuân Mỹ, hội viên Chi hội Nông dân xóm Làng Luông nói với chúng tôi: Nông dân chúng tôi giúp nhau bằng cách cho vay không lấy lãi; bán con giống, cây giống cho nhau nhưng đợi thu hoạch mới lấy tiền giống; hoặc đơn giản như bày cho nhau cách đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; cách chi tiêu hằng ngày và trao đổi với nhau kinh nghiệm sản xuất… Với chất giọng mộc mạc, đặc chất chân quê ông Mỹ nói với chúng tôi như thế. Qua câu chuyện với ông chúng tôi còn được biết, hiện các con ông đã lập gia đình, ra ở riêng, nhà chỉ có 2 vợ chồng cùng nhau chăm nom hơn 1.000 m2 đất vườn, hơn 1 sào ao chăn thả cá. Đất vườn ông trồng được 30 cây sấu, mỗi năm cho thu hoạch trung bình 15 tấn quả, giá bán 10.000 đồng/kg, như vậy từ vườn sấu vợ chồng ông thu được 150 triệu đồng/năm.
Bà Phượng cho biết thêm: Trung bình mỗi năm Hội phối hợp với Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức được khoảng 20 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 900 lượt hội viên. Qua thực tế tại cơ sở chúng tôi còn được biết thêm: Trong những năm gần đây, Hội nông dân đã mạnh dạn phối hợp với một số công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi để tổ chức tập huấn cho nông dân về cách đầu tư, chăn nuôi gia súc, gia cầm trang trại… Để nông dân giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư, Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội giúp nông dân vay vốn, hiện trong Hội có hơn 200 hội viên được vay với số tiền trên 2,8 tỷ đồng. Hầu hết các hội viên vay tiền đều có phương án sản xuất và đầu tư cho sản xuất thu được hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như ở làng miến Việt Cường có 60 gia đình hội viên nông dân được vay vốn để đầu tư mua máy, mua nguyên liệu chế biến mì, miến. Điển hình như gia đình ông Đặng Quang Tân, trước đây sản xuất nhỏ, nay đã vươn lên trong danh sách hộ làm ăn lớn của xã. Gia đình ông Tân thường xuyên tạo việc làm cho từ 4 đến 5 lao động. Gia đình ông Lương Văn Cường trước cũng là hộ khó khăn, thông qua hội gia đình ông vay được 20 triệu đồng để mua máy, mua gạo về chế biến và đã tạo được việc làm ổn định cho 4 lao động trong nhà… Đến xóm Tam Thái, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Ngái sinh sống, chúng tôi thấy ở đây có một phong trào giúp đỡ nhau xoá giảm nghèo rất tích cực, trong đó phải kể đến ông Thẩm A Nam, nhà thường xuyên nuôi hơn 60 con lợn, mỗi năm xuất bán 3 lứa, được sản lượng hơn 12 tấn. Cùng chăn nuôi, gia đình ông
Câu chuyện xóa đói, giảm nghèo của cán bộ, hội viên Hội Nông dân xã Hoá Thượng dành cho chúng tôi cứ vui như… được mùa. Trong xã, ai cũng biết đến gia đình nhà chị Phó Thị Xuân, xóm Tam Thái. Nhà chị Xuân nghèo do chồng quanh năm đau bệnh, gia đình chị phải sinh sống trong ngôi nhà đất tạm bợ. Vậy mà chỉ sau mấy năm được bà con chòm xóm giúp đỡ, đặc biệt là sự vào cuộc của Hội nông dân đã tạo thuận lợi cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời vận động chị Xuân tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, qua đó chị Xuân thấy mình được mở rộng tầm nhìn, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà, gieo cấy lúa giống mới, đến năm 2010 gia đình chị được xoá tên khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện ngôi nhà vách đất của chị đã được thay thế bằng một ngôi nhà xây cấp 4, bảo đảm mưa không dột, gió không lùa… Trong xã, còn có các hội viên nông dân tiêu biểu, luôn tích cực đến nhà hội viên nghèo để vận động mọi người tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, như chị Nguyễn Thị Nhớ, Chi hội trưởng Chi hội nông dân xóm Văn Hữu; ông Thẩm Dịch Thọ, Chi hội Nông dân xóm Tam Thái và bà Bùi Thị Miền, Chi hội Nông dân xóm Ấp Thái.
Trở lại xóm Làng Luông, đến thăm gia đình hội viên nông dân Đào Ngọc Oanh, chúng tôi thấy ông Oanh đang chăm lo cho vườn cây cảnh, vườn cây sấu và đàn gà mấy mươi con trong khu vườn. Ông Oanh Khiêm tốn, bảo: So với các hội viên nông dân khác, gia đình tôi cũng… là hộ bình thường thôi. Tôi nói vui: Nghèo như bác mà trong nhà có đủ cả ti vi, xe máy, tiện nghi đủ dùng cho sinh hoạt trong gia đình, nhiều người mơ còn chưa thấy đâu… Bà Phượng nói vui: Là ít năm trước đây, các xóm: Làng Luông, Văn Hữu, Tam Thái, Tân Thái và Ấp Thái, nông dân chưa mặn mà với khoa học kỹ thuật sản xuất mới. Còn nay đã đổi khác rồi, ai cũng thích được tham gia các lớp tập huấn để có nhiều hơn cơ hội làm giầu. Ngay như năm 2010 vừa qua, Hội nông dân của xã đã có thêm 12 gia đình hội viên thoát nghèo, tất cả cũng nhờ được tập huấn, nâng cao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, và đây còn là kết quả của phong trào tự giúp nhau xoá đói, giảm nghèo của hội viên nông dân trong xã.