Doanh nghiệp dân doanh: Tự tìm cách vượt qua suy thoái

08:36, 21/04/2012

Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao và khó khăn về thị trường tiêu thụ là những bài toán nan giải nhất cho sự phát triển các doanh nghiệp dân doanh (DNDD) vừa và nhỏ hiện nay…

Khó khăn từ phía doanh nghiệp

 

Qua khảo sát tại một số DNDD ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau, chúng tôi nhận thấy, hai vấn đề chính khiến các đơn vị này cảm thấy “ngột ngạt” trong bối cảnh hiện nay là lãi suất ngân hàng còn ở mức cao, khó tiếp cận và những khó khăn về đầu ra. Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Công ty TNHH thép Tú Ninh (Cụm công nghiệp Tân Thành, T.P Thái Nguyên) cho biết: Công ty đang đặt mục tiêu duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Chúng tôi đang rất cần vốn nhưng không dám vay thêm ngân hàng vì lãi suất trung bình 18%/năm như hiện nay thì kinh doanh không có lãi.

 

 

Với đặc thù của một DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Hải (phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên) cho biết một khó khăn khác: Vì thiếu vốn, các chủ đầu tư thường rất chậm thanh toán khi chúng tôi đã hoàn thiện công trình, dù đảm bảo tiến độ.

 

Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên cho biết thêm: Nhiều DNDD nhỏ và vừa hiện nay không thể cơ cấu lại nợ cũ tại ngân hàng nên vẫn phải chịu lãi suất cao (trên 20%/năm), muốn vay tiếp để duy trì hoạt động thì khó hơn… lên trời vì chưa trả được nợ cũ và các điều kiện thế chấp ngặt nghèo. Tóm lại, Lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao suốt thời gian qua là một “tai nạn” với các DNDD nhỏ và vừa, nhất là các DN sản xuất – ông Quang nói.

 

Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, theo ông Phạm Văn Quang thì các DNDD vừa và nhỏ từ lâu đã tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững như: Phát triển quá nóng, đầu tư tràn lan theo chiều rộng, thiếu tính toán và những chiến lược phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt; trình độ quản trị và tổ chức bộ máy còn nhiều hạn chế; chất lượng lao động chưa cao… Có thể khẳng định, giai đoạn khó khăn này cũng có mặt tích cực khi tạo ra những bài học rất có ý nghĩa với các chủ DN.

 

Doanh nghiệp tự xoay sở

 

Cuối năm 2011, Công TNHH thép Tú Ninh dù thiếu vốn hoạt động vẫn phải tập trung tiền để trả ngân hàng vì không thể tiếp tục chịu được mức lãi suất cao. So với năm 2008, Công ty đã co hẹp sản xuất đáng kể và chuyển sang sản xuất các mặt hàng có hàm lượng chất xám, công nghệ và có tính cạnh tranh cao (từ các sản phẩm thép truyền thống chuyển sang sản xuất các thiết bị phục vụ công nghiệp xi măng và khai khoáng), lựa chọn kỹ bạn hàng nhằm đảm bảo thu hồi vốn nhanh, thực hiện tiết kiệm.

 

Trong khi đó, Công ty TNHH thương mại điện tử Quang Thái vào cuối năm 2011 cũng quyết định “xả hàng” để thu vốn nhằm trả khoản vay ngân hàng với lãi suất cao, theo tính toán và so sánh của ông Phạm Văn Quang thì đó là việc làm kịp thời và thích hợp. Công ty TNHH thương mại Hà Căn thì tập trung vào nhân tố con người và công tác quản lý với phương châm “Thương hiệu là niềm tin, kỷ cương là sức mạnh”, tăng lương cho người lao động thêm trung bình 500.000 đồng/người/tháng từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, Công ty nghiên cứu, phân tích kỹ thị trường để lựa chọn bạn hàng thích hợp và rất coi trọng chất lượng phục vụ. Vì thế, vài năm trở lại đây, doanh thu của Công ty luôn tăng trưởng bình quân 30%/năm.

 

Cũng là đơn vị vượt qua khó khăn và duy trì tăng trưởng, đại diện Công ty TNHH xây dựng và thương mại Hoàng Hải cho biết: Năm 2009, doanh thu của Công ty đạt 28 tỷ đồng thì năm 2011 tăng lên 47 tỷ đồng. Có được điều đó bởi Công ty luôn chủ động được nguồn vốn, có chiến lược phát triển phù hợp và đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng nguồn lao động…

 

Rõ ràng, để những DNDD vừa và nhỏ có thể duy trì hoạt động, vượt qua được giai đoạn khó khăn và sớm “hồi sinh” thì việc các ngân hàng sớm hạ lãi suất đầu ra, đồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, cùng với đó cần hạn chế tối đa những phiền hà phát sinh từ các thủ tục hành chính với DN, cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ cần thiết khác. Tất nhiên, điều quyết định vẫn tùy thuộc vào các DN, như những ví dụ đã nêu trên.