Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Khó khăn cả ở thành thị và nông thôn

09:46, 12/04/2012

Sau 2 năm tích cực triển khai Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phổ cập giáo dục Mầm non (PCGDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, bậc học này trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mới. Tuy nhiên, để hoàn thành PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2014 theo lộ trình của tỉnh còn nhiều khó khăn cần được tập trung tháo gỡ…

Bước đầu thuận lợi

 

Ngay sau khi Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 được Chính phủ phê duyệt và triển khai, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án trình HĐND tỉnh phê duyệt. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 19 thông qua Chương trình PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi của tỉnh, giai đoạn 2011-2014.

 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Giáo dục MN (Sở GD & ĐT): Đi đôi với việc kiện toàn Ban chỉ đạo PCGDMN từ tỉnh đến cơ sở, hoạt động kiểm tra nắm bắt tình hình thực tế tại từng địa phương cũng được Ngành Giáo dục tập trung thực hiện. Trên cơ sở xác định rõ các nguồn lực trong công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, việc xây dựng kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên đã được triển khai đồng bộ. Chỉ tính riêng năm 2011, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư trên 92 tỷ đồng phục vụ việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên, xây dựng phòng học, mua sắm đồ chơi ngoài trời, trang thiết bị dạy học tối thiểu và phần mềm phổ cập.

 

Bên cạnh đó, việc phát triển mạng lưới trường lớp và huy động trẻ đến trường cũng được tập trung thực hiện.Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đến trường đạt 25%, mẫu giáo 90,89%, trong đó mẫu giáo 5 tuổi đạt 100% và được chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày đạt 100%. Các trường còn tích cực thực hiện việc đổi mới nội dung chương trình cũng như phương pháp giảng dạy.

 

Hiện nay, các trường MN trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đại trà chương trình giáo dục MN mới, phân công đủ giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực để dạy các lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đồng thời, thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, nối mạng Internet và sử dụng các phần mềm Kismart, Nutrikids, Happykid….để hỗ trợ, nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ.

 

Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ 120 nghìn tiền ăn trưa/tháng cho các trẻ mẫu giáo 5 tuổi thường trú tại những xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn. Ngành Giáo dục cũng đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ quản lý cũng như giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi về bộ chuẩn phát triển trẻ và chỉ đạo 27 trường MN thực hiện thí điểm bộ này trên trẻ 5 tuổi.

 

Song vẫn còn nhiều thách thức…

 

Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh chúng tôi nhận thấy công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi cũng đối mặt với không ít khó khăn, trong đó, nổi cộm nhất là việc thiếu cơ sở vật chất tại các trường MN thuộc địa bàn nông thôn, miền núi, vùng cao.

 

Trường MN xã Vô Tranh (Phú Lương) là một ví dụ. Điểm trường chính đặt tại trung tâm xã mới được đầu tư xây dựng 4 phòng học trong 3 năm qua, trong khi đó ở đây có tới 6 lớp học. Để có chỗ cho các em học tập, Nhà trường phải ngăn đôi một số phòng ra; nơi làm việc của ban giám hiệu, kế toán, chuyên môn… chung vào 1 phòng chưa đầy 20m2. Bên cạnh đó, trường còn có 4 điểm lẻ phải học nhờ các nhà văn hoá, thậm chí cả nhà dân.

 

Chúng tôi tới xóm Tân Bình nơi có 2 lớp học, một tại nhà văn hoá của xóm và 1 lớp học nhờ nhà dân. Nói là nhà văn hoá nhưng đó là dãy kho xây dựng cách đây hơn 30 năm rất cũ nát. Theo cô giáo Mông Thị Chúc thì lớp học này có 19 cháu lớp mẫu giáo. Vì học nhờ nên hôm nào xóm họp thì các cô giáo lại phải cho học sinh nghỉ.

 

Về đồ dùng trang thiết bị thì thiếu thốn rất nhiều, không đó đồ chơi ngoài trời. Lớp học không có điện, nên những hôm trời mưa, mùa đông lớp học rất tối. Còn lớp học mượn nhà dân do cô giáo Hoàng Thị Quyên đảm nhiệm có 27 cháu mẫu giáo 3-4 tuổi. Theo cô Quyên thì do mượn nhà nên rất bất tiện cho việc tổ chức lớp học. Vì gia đình xây dựng nhà để ở khác nên việc bố trí phòng rất nhỏ hẹp, khác với quy cách của phòng học, sân chơi không có. Bàn ghế không đúng quy cách nên rất khó khăn khi cho các cháu làm quen với chữ số… Đồ chơi, đồ dùng còn thiếu thốn rất nhiều, làm sao dám “mơ” đến việc có máy tính nối mạng dạy các cháu phần mềm hồ trợ nâng cao chất lượng giảng dạy.

 

Không chỉ ở các huyện miền núi, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất dạy học mà ngay Trường MN Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cũng gặp phải cảnh tương tự. Theo cô giáo Đỗ Kim Dung, Hiệu trưởng Nhà trường năm học này Trường có 9 lớp 340 cháu, tỷ lệ huy động lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hiện nay ở khu trung tâm có 6 phòng học, phân hiệu 2 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi có 3 lớp học thì trường cũng chỉ huy động được gần 50% số trẻ trong toàn phường ra lớp (khoảng 30% trẻ trong phường phải đi học các nơi khác).

 

Do thiếu phòng học nên các lớp bình quân đều phải bố trí trên 40 cháu/lớp, có lớp lên đến gần 50 cháu (trong khi quy định lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 25 cháu/lớp). Do vậy rất khó khăn trong việc huy động trẻ ra lớp, cũng như mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn vào năm 2015. Được biết, ở khu trung tâm Trường được cấp 1.113,2m2 đất, với diện tích trên trung bình phải bố trí 100 cháu/400m2 rất chật hẹp….

 

Theo lộ trình đề ra, đến hết tháng 5-2012, sẽ có 94/181 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Được biết 94 đơn vị trên đều là những trường đã được công nhận trường chuẩn cấp quốc gia. Số đơn vị còn lại sẽ được tiếp tục hoàn thành việc công nhận phổ cập vào năm 2013 và 2014.

 

Để thực hiện mục tiêu đó, Ngành Giáo dục cần tích cực phối hợp với các địa phương trong tỉnh rà soát lại quy hoạch các trường. Tập trung nguồn lực, ưu tiên ngân sách chi thường xuyên và các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp theo hướng chuẩn hoá; mua sắm các thiết bị đồ chơi, đồ dùng theo quy chuẩn. Giữ vững tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp, đi đôi với nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục để trẻ có đầy đủ tâm thế trước khi bước vào lớp 1…