Đảng bộ xã Phúc Chu tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế

09:16, 12/06/2012

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã Phúc Chu (Định Hóa) đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nhằm hoàn thành các mục tiêu KT-XH mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV đề ra.

Đảng bộ xã Phúc Chu có 147 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ, trong đó có 9 chi bộ nông thôn. Trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ xã đề ra 13 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015: Tổng sản lượng lương thực cây có hạt là 1.650 tấn/năm; mỗi năm trồng mới 25ha rừng; hàng năm giải quyết việc làm cho 85 lao động trong độ tuổi; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 15 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 4% trở lên và phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 10%...

 

Đồng chí Ma Đức Vạn, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Chu cho biết: Để hoàn thành các chỉ tiêu nói trên, Đảng bộ xã đã ưu tiên chọn những việc cần làm trước và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm ngay. Việc đầu tiên là tập trung chỉ đạo người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển cây lúa lai trên diện rộng, phát triển kinh tế rừng… với vai trò  tiên phong là các đảng viên.

 

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, UBND xã Phúc Chu đã tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy lợi thế về diện tích đất tự nhiên, nguồn lao động nông thôn để phát triển kinh tế đồi rừng. Trước đây, người dân địa phương chưa chú trọng việc trồng rừng. Những năm gần đây, khi Chương trình 661 của Chính phủ được triển khai thực hiện tại xã, MTTQ và các đoàn thể phối hợp với UBND đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giao đất, giao rừng cho người dân; chỉ đạo bà con tập trung trồng keo, mỡ thay thế các cây gỗ tạp…

 

Nhiều cán bộ, đảng viên tại cơ sở như Mai Văn Nhã xóm Đồng Kè; Ma Đức Căm, Triệu Đình Ngà xóm Làng Gầy… đi đầu trong việc nhận đất trồng rừng cho hiệu quả  kinh tế cao nên nhiều bà con học tập, mạnh dạn nhận đất trồng  rừng. Hiện nay, diện tích rừng của toàn xã là trên 500ha và 100% diện tích đất rừng đã được giao cho người dân quản lý, khai thác (trong đó trung bình mỗi năm có trên 100ha rừng keo, mỡ được khai thác).

 

Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp với ngân hàng cho nông dân vay vốn, hỗ trợ mua phân bón trả chậm và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động bà con đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất như: giống lúa mới ĐS 1, lúa lai Syn 6, lúa nếp cái hoa vàng, trồng rau màu trên đất hai vụ lúa, nuôi cá ruộng, nuôi lợn thịt quy mô lớn… Năm 2011, năng suất lúa ở xã đạt 52 tạ/ha, tăng 2% so với năm 2010; nuôi cá ruộng đạt diện tích trên 25ha…

 

Không chỉ phát huy những thế mạnh tại địa phương, Đảng bộ xã còn chỉ đạo UBND, các tổ chức đoàn thể trong xã, các chi bộ cơ sở tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như: Nguồn vốn từ Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng thiết chế cơ bản và vốn hỗ trợ sản xuất; nguồn vốn từ Dự án hỗ trợ phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế của tổ chức Care Đan Mạch…

 

Khi có vốn, xã tập trung chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với thế mạnh, điều kiện của từng hộ gia đình, từng xóm, bản để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn. Tổ hợp tác xã Bình Minh tại xóm Làng Gầy là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án vào sản xuất. Được biết, từ nguồn vốn do Dự án hỗ trợ phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế của tổ chức Care-Đan Mạch tài trợ về kinh phí xây lò ấp và nuôi 50 con gà đẻ/thành viên tham gia cho người dân trên địa bàn xã Phúc Chu, xã đã giao cho Hội Phụ nữ địa phương thực hiện dự án và thành lập Tổ hợp tác xã Bình Minh tại xóm Làng Gầy nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Hiện tại, Tổ hợp tác có 7 thành viên đều là các hộ ở xóm Làng Gầy.

 

Với việc xây dựng một lò ấp trứng gia cầm có công suất 12.000 quả/tháng, đây là nơi cung cấp chủ yếu con giống gia cầm cho thị trường không chỉ trong xã, huyện mà còn ở một số tỉnh như: Bắc Cạn, Yên Bái, Tuyên Quang… Sau gần 3 năm hoạt động, Tổ hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động của xóm với mức thu nhập trung bình là trên 15 triệu đồng/người/năm.

 

Từ việc khai thác tốt của tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp nên đời sống của bà con nhân dân trong xã ngày càng được cải thiện rõ rệt. Mức thu nhập bình quân năm 2011 của người dân đã đạt 12,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 40,5% (2010) xuống còn 30,4% (2011). Trung bình mỗi năm, xã vận động bà con nhân dân đóng góp để xây dựng được từ 2,5 - 3km đường bê tông liên thôn, xóm, đến nay, trên 50% đường liên thôn của xã đã được bê tông hóa; 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia. Trụ sở UBND được xây dựng khang trang, trạm Y tế được công nhận đạt chuẩn Quốc gia... Những công trình hạ tầng dân sinh góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.