Hòa Khê hướng đến sản xuất chè an toàn

07:57, 11/06/2012

Để nâng cao giá trị kinh tế, chất lượng của cây chè, 2 năm trở lại đây nhiều hộ trong xóm Hòa Khê, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) đã tích cực đẩy mạnh việc chăm sóc và chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP.

Một ngày đầu tháng 6, ông Lý Văn Thu, Trưởng xóm Hòa Khê đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè sạch, chè an toàn xanh mướt của xóm. Trong câu chuyện dọc đường, ông Thu cho biết: Hòa Khê là một trong hai xóm có diện tích chè nhiều nhất xã, cây chè ở đây được thiên nhiên ưu ái cho thổ nhưỡng phù hợp, không bị ô nhiễm bởi các khu công nghiệp và đặc biệt là được con suối Hòa Khê trong lành chảy quanh năm tưới mát cho gần 90ha chè của toàn xóm nên hương vị chè ở đây rất thơm, rất đậm đà. Phát huy những lợi thế sẵn có, các hộ dân ngày càng chú trọng đến việc đầu tư thâm canh tăng năng suất bằng cách hình thức cải tạo, thay thế những vườn cây già cỗi bằng những giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt như: LDP1, LDP2, Bát tiên, Phúc vân tiên…  

 

Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, chế biến chè do Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, người trồng chè ở Hòa Khê đã chủ động làm quen với quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để thay cho phương thức làm truyền thống kém hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có gần 10ha chè an toàn, mỗi lứa cho thu hoạch từ 110 tạ đến 120 tạ chè búp tươi/ha.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Xuân, người tiên phong sản xuất chè an toàn của xóm để tìm hiểu về cách chế biến theo quy trình mới này thì được anh cho biết: Để có được sản phẩm chè an toàn, ngay từ khâu chăm sóc cần phải tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn, không được sử dụng phân bón hóa học mà phải dùng phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây chè. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng cần tiến hành một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định (mỗi lứa chè sau khi phun thuốc cần để từ 8 đến 10 ngày mới thu hái).

 

Chè sau khi được thu hái xong cần phải để lên nong nia hoặc đổ ra tấm bạt cho sạch sẽ, sau đó dùng tôn quay inox để sao chè chứ không được dùng tôn sắt nhằm tránh mạt sắt rơi lẫn vào, như vậy mới làm cho chất lượng chè ngon, sản phẩm chè đạt mức an toàn. Trung bình mỗi cân chè thành phẩm có giá bán từ 180 đến 200 nghìn đồng, cao hơn chè sản xuất theo lối cũ từ 50-100 nghìn đồng. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi được thu hoạch 9 lứa chè, mỗi lứa được 2 đến 3 tạ chè khô, trừ chi phí gia đình tôi còn lãi gần 200 triệu đồng/năm.

 

Phong trào sản xuất chè an toàn đang ngày càng lan rộng ở xóm Hòa Khê, nếu như lúc đầu chỉ có vài hộ mạnh dạn trồng chè theo quy trình VietGAP thì đến nay đã có khoảng 40 hộ trong xóm tham gia. Tại xóm còn thành lập nhóm sản xuất chè an toàn với 17 hộ gia đình để các hộ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng chè và cùng nhau làm giàu.

 

Ông Nguyễn Văn Quân, một thành viên của nhóm có 0,4ha chè an toàn cho biết: Nếu so với quy trình sản xuất chè trước đây thì việc thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn sẽ tiết kiệm được khoảng 30% các khoản chi phí mà chất lượng chè lại cao hơn hẳn. Ví dụ như việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây có thể sử dụng nguồn rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ; việc bón phân hóa học làm cho lá chè nhiều nước nên phải cần 6kg chè tươi mới sao được 1kg chè khô mà lại tốn nhiều thời gian, bón phân hữu cơ thì chỉ cần 5kg chè tươi đã được 1kg chè khô với chất lượng, hương vị chè ngon hơn, đỡ tốn kém hơn.

 

Ngoài việc nhân rộng diện tích chè an toàn, nhân dân xóm Hòa Khê còn từng bước thực hiện cơ giới hóa việc chăm sóc, chế biến chè để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện tại, 100% số hộ trong xóm đã có máy bơm nước tưới chè và tôn quay sao chè, trong đó có 70 hộ dùng tôn quay inox; 10 hộ xây dựng được khu chế biến chè có trị giá từ 35 đến 50 triệu đồng.

 

Tuy có những điều kiện thuận lợi để sản xuất nhưng nhân dân xóm Hòa Khê vẫn gặp phải một số khó khăn như: Chưa có đại lý thu mua nên đầu ra không ổn định; nguồn điện để phục vụ sản xuất còn yếu; đường giao thông còn nhỏ, hẹp… Mong rằng, thời gian tới các cấp chính quyền địa phương sẽ quan tâm, giúp đỡ để người dân ở đây yên tâm sản xuất nhiều hơn nữa sản phẩm chè sạch, chè an toàn cho người tiêu dùng.