Thời gian qua, bảo vệ môi trường trong các nhà máy, xí nghiệp là vấn đề rất được xã hội quan tâm, chú trọng. Nhiều doanh nghiệp đã có ý thức đầu tư cả chục tỷ đồng để tạo dựng môi trường không ô nhiễm.
Thái Nguyên vẫn tự hào là cái nôi của ngành công nghiệp nặng cả nước với sự ra đời rất sớm của Khu công nghiệp Gang thép. Cùng với luyện kim, khai thác khoáng sản, chúng ta còn được biết đến với một hệ thống các ngành công nghiệp sản xuất giấy, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo quy mô lớn. Đó là thế mạnh nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong việc giải bài toán về môi trường và ô nhiễm môi trường tự nhiên. Tỉnh ta từng là một trong những địa phương có nhiều đơn vị sản xuất nằm trong danh sách những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003, ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, song ý thức về xây dựng môi trường công nghiệp xanh, sạch đã được nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm. Trong các diễn đàn về bảo vệ môi trường công nghiệp, nhiều nhà sản xuất đã bày tỏ quan điểm: Đã sản xuất công nghiệp, nhất là ngành luyện kim thì khó tránh khỏi việc gây ô nhiễm. Tuy nhiên, “sống chung với lũ” như suy nghĩ của một số đơn vị sản xuất là hoàn toàn sai lầm vì ô nhiễm môi trường công nghiệp càng được giảm thiểu bao nhiêu thì sức khỏe của chính người lao động làm việc trong môi trường đó được đảm bảo bấy nhiêu. Môi trường sống của toàn xã hội được đảm bảo hay không phụ thuộc một phần lớn vào ý thức, trách nhiệm của những người đứng đầu các đơn vị sản xuất công nghiệp.
Từ ý thức đó, không ít đơn vị đã nghĩ đến việc xây dựng theo tiêu chí “nhà máy công viên” và thực tế chúng ta đã có nhà máy như thế. Đó là Nhà máy cán thép Lưu Xá (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Để thực hiện mục tiêu này, từ tháng 10-2010, Nhà máy đã đưa vào vận hành bể nước tuần hoàn dung tích 1.200m3, giá trị đầu tư 2,5 tỷ đồng đối với dây chuyền cán thép thô thay thế cho bể nước dung tích nhỏ, hệ thống lắng, lọc chưa thật sự đảm bảo trước đây. Nhờ đó, toàn bộ nước thải từ hoạt động sản xuất của Nhà máy hiện không còn xả ra môi trường. Về xử lý khí thải, từ năm 2000, Nhà máy đầu tư tăng cường thêm bộ phận sấy dầu giúp cho nhiệt độ dầu kết hợp với gió nóng tăng từ 1200C lên 4000C. Qua đó, lượng dầu tiêu hao ít đi, kéo theo lượng khí thải cũng giảm. Cùng với đảm bảo môi trường trong sản xuất, Nhà máy rất quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên trong khuôn viên rộng cả hécta nhằm cân bằng sinh thái ở môi trường công nghiệp.
Ngoài hệ thống cây xanh trải đều quanh khu vực Nhà máy, thời gian gần đây, trong khuôn viên còn bố trí thêm “Vườn hoa thanh niên”, “Vườn sinh thái” với nhiều loại cây cảnh, hoa cùng chim chóc trông khá đẹp mắt. Nhà máy còn quy hoạch và xây dựng cả một hệ thống công trình phụ trợ hợp lý gồm: Nhà để xe 2 tầng, nhà ăn ca 2 tầng, nhà văn hoá, thể thao rộng rãi, sạch sẽ, khang trang. Nhà máy còn lắp đặt hệ thống camera ở hơn 20 vị trí nhằm theo dõi quá trình sản xuất, sinh hoạt, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của cán bộ, người lao động trong toàn đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Bộ, Phó Phòng Kỹ thuật - Cơ điện, người trực tiếp phụ trách công tác an toàn, môi trường của Nhà máy, cho biết: Những năm gần đây Nhà máy đều duy trì được những thành tích cao và được công nhận đơn vị xuất sắc trong phong trào xây dựng nhà máy xanh, sạch, đẹp do Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên phát động và chấm điểm hàng năm. Năm 2009, Nhà máy vinh dự được Tổng Công ty thép Việt Nam công nhận “nhà máy công viên” theo các tiêu chí do ngành thép đặt ra.
Mặc dù chưa thể trở thành ‘‘nhà máy công viên’’, nhưng Công ty Phụ tùng máy số 1 (có cơ sở sản xuất tại thị xã Sông Công) cũng bắt đầu tiệm cận đến một môi trường sản xuất công nghiệp xanh, sạch, đẹp. Ngoài đảm bảo việc giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất, gia công cơ khí tại các phân xưởng, Công ty còn rất chú trọng đến cải thiện môi trường xung quanh. Hệ thống cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ được giữ nguyên tạo thành những ‘‘lá phổi’’ quan trọng điều tiết không khí và cân bằng môi trường sinh thái. Khi đi vào trong khu vực sản xuất của Công ty, nếu không có tiếng động cơ thì chúng ta sẽ có cảm giác giống như đang đi giữa một công viên xanh vậy. Không khí ở đây khá trong lành, không như tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp khác, nhất là công nghiệp luyện kim.
Mặc dù mới xây dựng không lâu, song hai đơn vị sản xuất công nghiệp là Công ty CP Hợp kim sắt (KCN Gang thép) và Nhà máy Kẽm Việt Bắc (KCN Điềm Thuỵ) lại rất tích cực cải thiện môi trường bằng việc trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên nhà máy. Chỉ sau khoảng 5 năm kể từ ngày bắt đầu xây dựng đến nay, Nhà máy Kẽm Việt Bắc đã sở hữu hàng nghìn mét vuông cây vườn rừng các loại. Xung quanh hàng rào, Nhà máy cho trồng toàn bộ cây keo lai; gần khu vực sản xuất, đơn vị cũng bố trí trồng cây rừng theo từng mảng tập trung, diện tích lớn. Do đặc thù là ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm không khí cao nên đơn vị rất chú trọng đầu tư hệ thống xử lý khí bụi. Với dây chuyền xử lý môi trường có giá trị hàng chục tỷ đồng, cộng với các phương án cải tạo cảnh quan, sinh thái hiệu quả, hiện nay, Nhà máy đang hướng tới mục tiêu đạt "nhà máy công viên’’ trong thời gian sớm nhất. Đối với Công ty CP Hợp kim sắt cũng vậy, đơn vị này cũng đang dành một nguồn kinh phí thoả đáng để tiến hành tạo cảnh quan môi trường (hành lang, cây xanh, đường nội bộ, hệ thống thoát nước…) sạch sẽ, khang trang.
Từ một vài viện dẫn nêu trên cho thấy, trong khi một số doanh nghiệp còn xem nhẹ vấn đề đảm bảo môi trường trong sản xuất thì phần đông đã có ý thức tự bảo vệ không khí trong lành cho chính đơn vị mình và cho cả cộng đồng. Đây được xem là những việc làm quan trọng, cần thiết, phải được cả cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm thực hiện.