Văn Hán lối thoát nghèo đã mở

08:59, 14/06/2012

Đại hội Đảng bộ xã Văn Hán (Đồng Hỷ) khoá XI nhiệm kỳ 2010-2015 đã  xác định ba giải pháp trọng tâm nhằm xoá đói, giảm nghèo là: Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất là điều kiện, lòng dân đồng thuận là động lực và công tác cán bộ là “chìa khoá”. Hơn phần ba nhiệm kỳ qua đi, từ một xã khó khăn của huyện, với trên 21% hộ nghèo, nay giảm xuống còn 15%, bình quân lương thực từ mức 500kg/người/năm đến nay đã đạt trên mức 700kg, thu nhập bình quân hàng năm mỗi nhân khẩu nâng từ 9 triệu đồng lên 13 triệu đồng/người/năm...

Đưa làng ra gần phố

 

Mới 9h sáng, chợ Phả Lý nằm ở trung tâm xã Văn Hán đã tập trung gần chục chiếc xe tải chất đầy chè khô, nối thành đoàn chạy ra Quốc lộ 1B, đổ về thành phố Thái Nguyên, xuôi Hà Nội. Ông Nguyễn Thanh Trường là một trong những đầu mối giao chè ở xóm Vân Hoà phấn khởi tâm sự: “Tuần ba phiên chợ, mới mờ sáng, xe tải từ Hải Phòng, Hưng Yên... đã kéo đoàn vào “ăn” hàng, sớm thì họ vào tận nhà, giữa buổi thì đón hàng ở chợ. Từ lạ thành quen, xa thành gần, rồi trở thành mối tin cậy, cứ đến phiên chợ lại gặp nhau. Vài năm trở lại đây, cây chè cành bén duyên và thành vùng hàng hoá, chất lượng khá đồng đều, lại thuận tiện giao thông, khách thập phương đến đây đặt hàng, thế là làng quê trở nên nhộn nhịp”.

 

Tiếp chúng tôi tại UBND xã, đồng chí Nguyễn Xuân Hiền, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước năm 2010, đi từ trung tâm huyện đến Văn Hán phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, nếu trời mưa lầy thì Văn Hán gần như bị cô lập hoàn toàn. Hoạt động lưu thông hàng hoá cũng vì thế mà chậm, nông sản thì bị ép giá.  Sau khi có các dự án đầu tư phát triển giao thông, thuỷ lợi, mặc dù không có cơ chế đền bù... nhưng Đảng bộ xã xác định rằng đây là thời cơ, nếu không vận động nhân dân hiến đất đón dự án, chắc chắn Văn Hán vẫn chỉ là vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, toàn xã đã tiến hành mở cuộc vận động hiến đất mở đường, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

 

Với phương châm cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu hưởng ứng cuộc vận động hiến đất mở đường, đồng thời có trách nhiệm vận động gia đình, người thân hưởng ứng, chỉ trong 3 tháng, gần 300 hộ dân đã hiến trên 5ha đất để mở đường. Và chỉ trong vòng 8 tháng, tuyến đường trên 14km, loại đường nông thôn miền núi cấp 4, rộng gần 8m, trải thảm nhựa nối Văn Hán với xã Cây Thị, Văn Hán với xã Nam Hoà đã được hoàn thành. Có những hộ như gia đình ông Nguyễn Thanh Trường, ở xóm Vân Hoà hiến gần 700m2 đất vườn và đất thổ cư, hoặc như hộ anh Nguyễn Văn Hoa, xóm Hoà Khê 1 hiến gần 1.000m2 đất ruộng, vườn để làm đường…

 

Chưa dừng lại ở đó, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: 6 tháng đầu năm 2012 này, xã tiếp tục vận động được gần 500 hộ cam kết hiến thêm trên 7ha đất để tiếp tục nâng cấp trải nhựa tuyến đường liên xã nối từ xã Khe Mo về Văn Hán, rút ngắn khoảng cách từ Văn Hán ra Quốc lộ 1B. Giao thông phát triển, hàng hoá lưu thông thuận tiện đã kích thích sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hoá, đem lại giá trị kinh tế ngày càng cao. Trước năm 2010, tập  quán trồng chè đồi, gieo hạt tại đây chỉ cho năng suất 50-60 tạ/ha, sản lượng chè khô toàn xã đạt trên 400 tấn/năm, giá trị đạt gần 28 tỷ đồng, nhưng nay, nhờ mở rộng diện tích chè cành thế chỗ cho những diện tích chè đồi già cỗi, năng suất đạt trên 100tạ/ha, sản lượng tăng lên gần 600 tấn, đạt giá trị trên 50tỷ đồng/năm. Cây lâm nghiệp thuộc rừng sản xuất mỗi năm cho khai thác trên 5.000m3 gỗ, đạt giá trị trên 2,5tỷ đồng, tăng trên 5 tỷ đồng so với năm 2010.

 

Năm 2009, cả xã Văn Hán mới có 10 đầu xe vận tải thì nay đã có trên 40 xe, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hoá trên địa bàn. Kinh tế - xã hội phát triển, các vấn đề an sinh xã hội được chăm lo ngày càng tốt hơn. Năm 2010, cùng với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, toàn xã đã huy động được hàng tỷ đồng hỗ trợ các gia đình khó khăn xoá được 500 nhà tạm, nhà dột nát, kiên cố hoá được gần 6.000m kênh mương nội đồng, cứng hoá được hơn 5.000m đường bê tông liên xóm.

 

Đưa cán bộ thêm gần dân

 

Đồng chí Vi Ngọc Thi, Bí thư Đảng uỷ xã tâm sự: “Cán bộ xa dân, đảng viên xa rời quân chúng không hẳn đã là biểu hiện sự xuống cấp về ý thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống mà còn có nguyên nhân là trình độ, kiến thức, kỹ năng của cán bộ hạn chế, dẫn đến ngại tiếp xúc. Nhiều vấn đề mới phát sinh, không nắm chắc, khi được hỏi thì lúng túng và thoái thác trách nhiệm...”. Xác định công tác cán bộ là khâu đột phá trong tổ chức và thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, ngay từ giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã khoá X (2005-2010), Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã kiểm điểm và xây dựng Nghị quyết về công tác cán bộ, trong đó tập trung vào xây dựng đội ngũ theo hướng chuẩn hoá và trẻ hoá, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 

Sau hơn 4 năm thực hiện, đến nay đội ngũ cán bộ của Đảng bộ xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ chỉ có hơn 40% cán bộ xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, đến nay đã tăng lên trên 80% chuẩn hoá cả về chuyên môn và trình độ lý luận chính trị. Chính vì vậy, mọi công việc của cán bộ, đảng viên đều được lên kế hoạch một cách khoa học, chi tiết và giải quyết nhanh chóng. Kỹ sư trẻ Phạm Văn Tuấn, cán bộ phụ trách nông, lâm nghiệp xã cho biết: Đối với nông thôn, việc thay đổi tập quán lao động sản xuất là rất khó khăn. Muốn thay đổi phải có thử nghiệm, nếu thất bại, coi như mất lòng tin. Năm 2005 về trước, từ chỗ toàn xã chỉ thuần tuý cấy lúa Bao thai, trồng chè hạt, sau hơn hai năm được cán bộ khuyến nông “nằm vùng” xây dựng ô mẫu trình diễn thành công, tư duy sản xuất mới bắt đầu chuyển biến tích cực.

 

Đến nay, trong tổng số 1.300ha đất cấy lúa, toàn xã đã có trên 15% diện tích được gieo cấy bằng giống lai Khang dân 18, lai hai dòng, ba dòng, cho năng suất tăng từ 40tạ/ha, lên trên 46 tạ/ha; cây ngô lai DK888, DK999, CP, VN4… được nhân rộng gần 90% diện tích, trong tổng số 170ha, cho năng suất tăng từ 38tạ/ha lên gần 48tạ/ha. Diện tích chè cành cũng được mở rộng từ ô mẫu 200-300m2, nay đã nhân lên  trên 200ha, nâng tổng diện tích trồng chè mới toàn xã từ 600ha lên trên 700ha. Diện tích trồng rừng mới từ năm 2010 đến nay, đều tăng từ 200-300ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch mỗi năm trên 100ha.

 

Đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã nhớ lại: “Để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm một mô hình mẫu từng loại hình, từ đó vận động nhân dân tham gia thực hiện”. Trong công tác đánh giá chất lượng cán bộ, đồng chí Bí thư cho biết thêm: Hng tháng, Chi bộ Văn phòng Đảng uỷ, UBND và HĐND đều tổ chức sinh hoạt, trong đó dành 1/3 thời gian kiểm điểm kết quả thực hiện công tác của từng bộ phận và trách nhiệm của đảng viên, đã có cơ sở đánh giá chất lượng cán bộ.

 

Hơn hai năm duy trì hình thức sinh hoạt này, trách nhiệm cán bộ, đảng viên được nâng lên. 100% cán bộ, đảng viên đều hoàn thành nhiệm vụ, các bộ phận “một cửa”, y tế, văn hoá, nông, lâm nghiệp, thương binh - xã hội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo niềm tin đối với nhân dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.