Ngẩn ngơ nghe điệu hát Then

15:27, 28/07/2012

Hôm chúng tôi tới Thần Sa (Võ Nhai), bất chợt gặp cơn mưa tháng Bảy trút xuống ào ạt. Sau đó, nắng bừng lên trên khắp nẻo cây rừng, núi đá. Những tia nắng soi lên vách đá vôi dáng hiên ngang, lên hàng cây xanh mướt còn đọng giọt mưa lấp lánh như những hạt kim cương, tạo thành một bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ, có sức hấp dẫn đến diệu kỳ.

Trong khung cảnh ấy, chúng tôi được các chị, các bạn, các em trong Câu lạc bộ (CLB) những người yêu thích làn điệu hát Then xã Thần Sa hát tặng các làn điệu then. Nào là những câu then tình tứ của đôi trai gái đang tìm hiểu nhau trong “Mùa xuân về trên bản em”, nào là “Điệu then tặng mẹ” để ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ, hay “Thái Nguyên quê noọng” thấm đẫm tình yêu quê hương...

 

Ơi người ơi hãy đến quê em

 

Võ Nhai đây mùa xuân đang tới

 

Quê làng em kìa, nở trắng hoa xuân

 

Lời tâm tình gửi bay theo gió

 

Ơi người ơi hãy đến quê em

 

Hoa chen hoa, nở bên dòng suối

 

Du lịch Phượng Hoàng, anh nhớ thăm em...

 

(Mùa xuân về bản em - Nguyễn Thị Bích Hồng).

 

Nghe tiếng đàn, hát của các thành viên trong CLB, chúng tôi không ngờ những bàn tay thô ráp vừa hôm trước còn cầm mạ non, thoăn thoắt cấy phủ xanh cánh đồng lúa hôm nay lại mềm mại múa trên cây đàn tính. Những âm thanh trầm bổng, từng giai điệu, lời hát và phong cách biểu diễn mộc mạc chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng chứa chan cảm xúc làm đắm say lòng người.

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Thủy sinh năm 1983, hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Chủ nhiệm CLB cho biết: Tôi học lỏm hát then của các chị phụ nữ ngoài xã Cúc Đường từ những năm còn là học sinh cấp hai. Tôi rất thích làn điệu Then vì nó gắn bó với đặc trưng của dân tộc Tày. Sau đó lên học Trường Dân tộc Nội trú Nguyễn Bỉnh Khiêm (Võ Nhai), rồi Trường THPT Vùng cao Việt Bắc, tôi đều được lựa chọn vào đội tuyển văn nghệ, tham gia các tiết mục hát Then. Khi trở về quê, tôi muốn tập hợp được các chị em cùng yêu thích làn điệu Then, vừa sinh hoạt văn hóa, văn nghệ làm phong phú đời sống tinh thần, vừa khôi phục và gìn giữ điệu Then đặc trưng của dân tộc mình.

 

Xuất phát từ ý tưởng đó, năm 2011, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Thủy đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã, Hội Phụ nữ, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Võ Nhai về việc thành lập đội hát Then và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Nhận được sự ủng hộ, chị Thủy vui lắm và nhanh chóng thông báo, tập hợp những chị em yêu thích và biết hát Then để chuẩn bị thành lập CLB. Chị đã đề nghị ông Ma Văn Tào giúp đỡ mọi người tập luyện hát Then và gẩy đàn tính. Ông Tào năm nay đã gần 70 tuổi, là một trong 8 nghệ nhân hát Then của tỉnh (được công nhận năm 2005). Nhiệt tình tìm lời hát và làm đàn cho các hội viên CLB, ông Tào cũng đã dạy một số làn điệu Then cổ cho chị em. Năm 2011, đúng ngày thành lập Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10), CLB những người yêu thích làn điệu hát Then xã Thần Sa chính thức được thành lập với 12 hội viên. Từ đó đến nay, CLB đã tổ chức được nhiều buổi giao lưu văn nghệ với các xóm vào dịp đón năm mới, ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 và kỷ niệm các ngày lễ lớn... Đến nay, CLB đã thu hút thêm 6 hội viên tham gia sinh hoạt.

 

Vốn là học trò “cưng” của nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng, Chủ nhiệm CLB hát Then tỉnh (Trung tâm Văn hóa tỉnh) nên chị Thủy đã nhờ nghệ nhân Hồng lên dạy hát và đàn cho chị em trong CLB vào đầu năm 2012. Nhận xét về CLB, nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Hồng nói: Qua 5 buổi dạy các làn điệu Then cho các hội viên tôi thấy CLB tuy mới thành lập nhưng các mọi người đều yêu thích, nhiệt tình tập luyện và có khả năng hát Then. Tôi hy vọng, với sự tâm huyết của Thủy, từ CLB này, xã Thần Sa sẽ phát triển thành các CLB quy mô rộng hơn ở các xóm như mục đích đề ra nhằm gìn giữ và phát huy nét đẹp trong bản sắc văn hóa của người Tày. Còn ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Thần Sa cho biết: Xã có 537 hộ sinh sống gồm đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông, trong đó trên 70% là người Tày. Do vậy việc thành lập CLB những người yêu thích làn điệu hát Then có ý nghĩa rất lớn trong việc gìn giữ điệu then Tày, làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của người dân...                                                                                                                                                                    

Trong CLB, nghệ nhân Ma Văn Tào là người cao tuổi nhất, hội viên ít tuổi nhất là Dương Thị Huệ và Dương Thị Linh (sinh năm 1995 và 1994) nhưng lại là thành viên tích cực tham gia tập luyện và có chất giọng hay cũng như biết đàn tính thuần thục. Hai em nhà ở tận xóm Ngọc Sơn 2, cách UBND xã 8km nhưng cứ tối Chủ nhật hàng tuần lại rủ nhau cùng đi ra hội trường xã để sinh hoạt cùng CLB. Tâm sự với tôi Huệ cho biết: Học hết cấp 2 em nghỉ ở nhà và tham gia sinh hoạt đoàn ở xóm. Một lần giao lưu văn nghệ với các xóm khác, thấy em có chất giọng hay chị Thủy đã mời em vào CLB những người yêu thích làn điệu hát Then. Tham gia sinh hoạt trong CLB em vui lắm. Em hiểu, mình càng phải có trách nhiệm gìn giữ cũng như tuyên truyền tới nhiều bạn trẻ khác về loại hình này.

 

Trong khi tiếp xúc với các hội viên CLB, điều chúng tôi không khỏi bất ngờ và thú vị là được trò chuyện cùng Lê Văn Du, nam thanh niên duy nhất biết đàn, hát những điệu Then cổ. Theo như nghệ nhân Ma Văn Tào thì: Then cổ khó học vì lời dài, chủ yếu là những lời khuyên răn dạy con người. Bên cạnh đó, chữ Tày cổ khó đọc và cả điệu đàn cũng rắc rối hơn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ bảo của nghệ nhân Tào, cộng với sự đam mê học hỏi và tập luyện nên đến nay Du là người duy nhất trong CLB có thể thuộc và đàn thành thục được những bài Then cổ. Du nói: Then hiện đại dễ học và phù hợp với đời sống. Then cổ tuy khó học nhưng cần được giữ gìn và phát huy để làm phong phú thêm những làn điệu then của đồng bào dân tộc Tày. Vợ em cũng thích hát Then lắm nhưng chỉ học và hát được then lời mới thôi…

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị Thủy trăn trở: Thời gian tới, chúng tôi cũng dự định lồng ghép việc tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là tuyên truyền thực hiện kế hoạch gia đình tới bà con thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Tuy nhiên, đời sống vật chất của người dân ở đây còn khó khăn nên quỹ hội rất hạn chế. Vì thế, ngoài 10 cây đàn tính được chính quyền xã tạo điều kiện hỗ trợ thì trang phục chúng tôi vẫn phải đi thuê. Chúng tôi rất mong muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện hỗ trợ tăng âm, loa máy, míc gài để CLB hoạt động tốt hơn.

 

Tạm biệt Thần Sa khi những ánh nắng chiều vừa tắt, chúng tôi cho xe chạy chầm chậm qua thác Nậm Rứt. Giữa tiếng thác nước đổ xuống, giữa mênh mông hùng vĩ của núi đá và đại ngàn xanh thẳm mà có người đã ví dáng tựa mãnh hổ, chúng tôi như vẫn nghe đâu đây lời hát then văng vẳng:

 

Ơi người ơi hãy đến quê em

 

Hoa chen hoa, nở bên dòng suối...