5 năm trước, nhiều trường mầm non trên địa bàn T.P Thái Nguyên phải cử giáo viên đến nhiều gia đình vận động trẻ ra lớp thì 2-3 năm trở lại đây, tất cả các trường lại ở trong tình trạng quá tải. Hàng nghìn gia đình có nhu cầu gửi con nhưng không được đáp ứng, gây khó khăn và cả những bức xúc cho phụ huynh…
12 giờ kém đêm 19/6/2012, nhiều phụ huynh đã có mặt tại địa điểm mà Trường Mầm non liên cơ Gang Thép (phường Hương Sơn) đang thuê làm trụ sở (do Trường đang trong quá trình xây lại) để ”xí chỗ” cho con mình đi học. Theo thông báo, năm học 2012-2013, Nhà trường chỉ nhận bổ sung 19 trẻ sinh năm 2009, 11 trẻ sinh năm 2010 và 4 trẻ sinh năm 2008. Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, danh sách về cơ bản đã đủ chỗ. Những người đến sau biết “hết chỗ” tỏ rõ sự thất vọng, phải ra về mà không đăng ký được cho con.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Nhà trường đây là năm thứ 2 số lượng người đến đăng ký học cho con vượt xa chỉ tiêu cần tuyển. Bên cạnh nguyên nhân dân số ngày một đông khiến số trẻ tăng theo thì nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của người dân về việc học của trẻ hiện nay được nâng cao rõ rệt. Họ hiểu rằng, cho trẻ đến trường từ nhỏ sẽ rèn được tính tập thể, tự lập và được phát triển một cách toàn diện hơn. Cùng với đó, số cặp vợ chồng trẻ có xu hướng ra ở riêng cũng ngày càng tăng nên ít có điều kiện nhờ cậy bố mẹ trông con, mà thuê người trông thì không phải ai cũng có khả năng về tài chính, vả lại thuê cũng không dễ mà lại không yên tâm. Trước thực trạng này, Trường Mầm non liên cơ Gang Thép đành phải tuyển vượt chỉ tiêu 6 trẻ sinh năm 2010, 2 trẻ sinh năm 2008 và 3 trẻ sinh năm 2007 (là con hộ nghèo, hộ chính sách và trong độ tuổi phải phổ cập theo quy định).
Trong năm học mới, Nhà trường sẽ có trên 150 cháu, thuộc 5 lớp học và như vậy, theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trung bình mỗi lớp học đã vượt từ 5-10 cháu. Cô Thủy cũng cho biết thêm: Trước yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, dù số cháu đã vượt quy định nhưng trong thời gian tới, nếu vẫn còn trường hợp có nhu cầu gửi con tại Trường, chúng tôi vẫn phải tiếp nhận.
Theo Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Quyết định số 14/2008/QĐ-BGDĐT ngày 7-4-2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, tại Điều 13 nêu rõ: Trẻ từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi được tổ chức thành các nhóm trẻ, với số trẻ tối đa: Từ 3 đến 12 tháng tuổi là 15 trẻ; từ 13 đến 24 tháng tuổi là 20 trẻ; từ 25 đến 36 tháng tuổi là 25 trẻ. Với trẻ từ 3 đến 6 tuổi được tổ chức thành các lớp mẫu giáo. Số trẻ tối đa với lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 25 trẻ; lớp mẫu giáo 4-5 tuổi là 30 trẻ; lớp mẫu giáo 5-6 tuổi là 35 trẻ. Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có 1 trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của lớp được giảm 5 trẻ. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không quá 2 trẻ cùng một loại tật. |
Được coi là “trường đỉnh” của các xã, phường khu vực phía Nam Thành phố, Trường Mầm non 1-5 (phường Trung Thành) đã xảy ra tình trạng quá tải từ 5-7 năm trở lại đây. Trước ngày nhận hồ sơ, từ 10 giờ đêm hôm trước, nhiều phụ huynh đã đến xếp hàng. Nhiều gia đình phải huy động cả ông, bà, bố, mẹ để thay phiên nhau “giữ chỗ”. Những người đến trước tự lập 1 danh sách để mọi người cùng đăng ký tên con vào đó. Cũng giống như Trường Mầm non liên cơ Gang Thép, trước sức ép quá lớn từ nhu cầu của phụ huynh nên mặc dù chỉ có kế hoạch tuyển 100 trẻ trong năm học 2012-2013 nhưng Ban Giám hiệu Trường Mầm non 1-5 đã phải nhận quá 25 trẻ.
Theo cô giáo Hiệu trưởng Vũ Thị Thảo, 2 năm học gần đây, Nhà trường đã phải giảm lớp nhà trẻ (từ 24 đến dưới 36 tháng tuổi) từ 3 xuống còn 2 lớp (tương ứng với 85 trẻ) để tăng số lớp mẫu giáo (từ 3 đến 6 tuổi). Sở dĩ có việc tăng - giảm này là để phục vụ tốt hơn cho việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Nếu không tạo điều kiện, tăng số trẻ từ 3 tuổi trở lên thì đến 5 tuổi trẻ sẽ rất khó bắt nhịp với những trẻ khác khi vào học ở bậc tiểu học. Hơn nữa, từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh về tâm lý và nhân cách. Nếu được học tập, vui chơi trong môi trường nhà trường sẽ rất tốt cho sự phát triển này, nếu không, sẽ là ngược lại.
Nguyên nhân của tình trạng quá tải này là do phường Trung Thành nằm ở trung tâm các xã, phường phía Nam của Thành phố, giáp với các phường, xã: Hương Sơn, Cam Giá, Phú Xá, Tích Lương, Lương Sơn, Tân Thành (những phường này chỉ có từ 1-2 trường mầm non, với số lớp hạn chế) lại có nhiều hộ dân là lao động tự do hoặc công nhân các nhà máy đến thuê trọ nên số lượng trẻ có hộ khẩu thuộc phường, xã khác xin học ở Trung Thành chiếm tới gần 40%. Cũng vì thế, trung bình mỗi lớp của các trường mầm non trên địa bàn phường Trung Thành những năm học gần đây đều có từ 40-48 trẻ, vượt từ 1,5 đến gần 2 lần so với quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Tình trạng quá tải ở bậc học mầm non diễn ra trầm trọng hơn ở những xã, phường chỉ có 1 trường, thậm chí là chưa có trường mầm non công lập nào như phường Tích Lương và phường Đồng Quang. Cũng vì không có trường mầm non nên người dân phải gửi con học ở xã, phường khác (vừa khó khăn trong việc xin học, vừa vất vả trong việc đi lại), hoặc phải gửi tại nhóm trẻ gia đình, trường tư thục, khiến mức đóng góp cao hơn rất nhiều. Các trường tiểu học và THCS trên địa bàn vì thế cũng bị ảnh hưởng vì nhiều phụ huynh cho con học tiểu học, THCS luôn tại địa bàn đã gửi con ở bậc mầm non.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo T.P Thái Nguyên, trong những năm qua, Thành phố đã rất quan tâm, ưu tiên dành nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết để các trường mầm non đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng nuôi, dạy trẻ, nhưng so với nhu cầu thực tế của người dân thì vẫn chưa đáp ứng được, cũng chưa đảm bảo được sĩ số mỗi lớp theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Bởi trên thực tế, việc đầu tư trong những năm qua chủ yếu là để xây lại chứ không phải là xây mới (do cơ sở vật chất của nhiều trường quá cũ nát hoặc phải mượn tạm phòng của một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa xóm… không đảm bảo an toàn cho việc nuôi và dạy). Thậm chí, một số trường còn bị giảm số lớp để đảm bảo diện tích phòng học theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Và dù đã quá tải từ 5-15 trẻ/lớp nhưng hiện tỷ lệ trẻ từ 3-6 tuổi được ra lớp mới đạt khoảng 90%, trẻ từ 2-3 tuổi đạt gần 29% và rất ít trường nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi. Hiện, 28 xã, phường của Thành phố mới có 41 trường mầm non, trong đó có 30 trường công lập, 7 trường tư thục (theo Nghị quyết HĐND tỉnh, thời gian tới sẽ được chuyển sang công lập) và 4 trường tư thục.
Thực trạng quá tải ở các trường mầm non hiện mới chỉ xảy ra trên địa bàn Thành phố, nhưng với tốc độ phát triển dân số cũng như trước nhu cầu ngày càng cao của người dân hiện nay, chắc chắn trong một tương lai không xa sẽ xảy ra ở các địa phương khác trong tỉnh. Thiết nghĩ, các cấp, ngành của Thành phố nói riêng, của tỉnh nói chung cần đưa ra những chính sách hợp lý, qua đó từng bước vừa đầu tư, vừa kêu gọi đầu tư xây dựng các trường để tăng tỷ lệ trẻ được đến trường mầm non một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố: Tình trạng quá tải này đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nuôi, dạy trẻ. Không gian học tập, vui chơi, ngủ, nghỉ của các cháu bị chia nhỏ và giáo viên đứng lớp cũng không thể quan tâm, chăm sóc các cháu chu đáo như khi ít trẻ.
Bà Vũ Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-5: Trên địa bàn phường Trung Thành có 4 trường mầm non, trong đó 3 trường công lập và 1 trường tư thục với tổng số trẻ được tiếp nhận là 1.500/1.200 trẻ từ 0-6 tuổi có hộ khẩu thuộc phường nhưng hiện, số trẻ từ 24-36 tháng tuổi được nhận vào các trường mầm non mới chiếm gần 30% và vẫn không có điều kiện để nhận trông trẻ dưới 24 tháng tuổi do thiếu cơ sở vật chất và đang phải đảm nhận 1 lượng lớn trẻ có hộ khẩu thuộc các phường, xã khác. |